Thứ 5, 28/03/2024 15:55:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:52, 17/09/2014 GMT+7

Đạo đức cách mạng trong tư tưởng của Bác

Thứ 4, 17/09/2014 | 08:52:00 5,237 lượt xem

BP - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm và chăm lo giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Vì theo Người: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”, (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội năm 2002, tập 5, trang 252-253).

Bác Hồ nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã và ban chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc về công tác quy hoạch ruộng đất - Ảnh tư liệu

 
Xuất phát từ tư tưởng ấy, nên trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn rèn luyện, phấn đấu là một tấm gương về đạo đức trong sáng, mẫu mực cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta noi theo. Trước lúc đi xa, Người đã căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, (Sđd, t 12, tr 498). Lời di huấn quý giá đó là sự tổng kết kinh nghiệm trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người.

Theo Người, muốn thực hiện được việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên thì mỗi tổ chức Đảng phải nắm vững nội dung thực chất của đạo đức cách mạng và mỗi đảng viên phải có “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Và bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”. Đó chính là “Tiêu chuẩn số 1 của người cách mạng”. Hơn nữa, người đảng viên thấm nhuần đạo đức cách mạng là phải biến nhận thức thành lẽ sống, niềm tin, động lực tinh thần, thúc đẩy hoạt động tự giác của mỗi người: “Có gì sung sướng vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người”.

Đạo đức là cái quý nhất, là linh hồn của một con người, một xã hội, một chế độ và một nền văn minh. Đạo đức cách mạng là tiền đề tiên quyết, là giá trị thuộc về nhân cách của mỗi con người, là sức mạnh để người cách mạng thực hiện lý tưởng, mục tiêu của mình. Đạo đức cách mạng là biểu hiện của lối sống cao đẹp của người cách mạng, sống trung thực, thủy chung, tôn trọng con người, chính trực, không thiên vị, luôn phấn đấu hết mình để thực hiện những lý tưởng cao đẹp và “cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”. Theo Người, một cán bộ, đảng viên muốn trở thành người cách mạng không có gì là khó. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người đã chỉ rõ: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ít, mà những tính tốt... ngày càng nhiều thêm”, (Sđd, t 5, tr 251).

Sau 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã giành được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, khó khăn và thuận lợi, cơ hội và thách thức luôn đan xen lẫn nhau. Để tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, cần phải thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc. Biểu hiện đó phải được thể hiện bằng nhận thức, việc làm của mỗi tổ chức đảng, mỗi đảng viên trong nỗ lực xây dựng và chỉnh đốn lại Đảng thành công để thỏa lòng mong ước của Người. 

N.V

  • Từ khóa
11730

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu