Thứ 6, 26/04/2024 05:26:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:20, 01/11/2018 GMT+7

Đạo đức xã hội xuống cấp, trách nhiệm...?

Thứ 5, 01/11/2018 | 08:20:00 260 lượt xem
BP - Sáng 30-10, tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn của các đại biểu về vấn đề văn hóa, đạo đức xã hội xuống cấp: “Tôi nói rằng cả xã hội phải vào cuộc. Chính sự xuống cấp đạo đức xuất phát từ các ngành kinh tế, cần xử lý ở các lĩnh vực chứ không riêng ngành xã hội. Nếu cứ để ngành văn hóa loay hoay thì không giải quyết được vấn đề xuống cấp đạo đức”. Ngay lập tức trả lời này đã trở thành tâm điểm của phiên chất vấn và truyền thông cả nước.

Một thực tế được truyền thông phản ánh liên tục trong nhiều năm qua là tình trạng đạo đức xã hội đã xuống cấp đến mức báo động. Báo cáo của Quốc hội sáng 30-10 cũng khẳng định: “Tình trạng xuống cấp về đạo đức gia đình, đạo đức xã hội đang ở mức nghiêm trọng”. Đây cũng là lý do Đảng, Nhà nước liên tục có các nghị quyết, chỉ thị về vấn đề này thời gian qua.

Tất nhiên việc đạo đức xuống cấp có trách nhiệm của cả xã hội và xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Để khắc phục vấn đề này cũng phải có sự vào cuộc của cả xã hội. Đó là ở phạm vi vĩ mô. Còn vi mô, hoạt động cụ thể trong thực tiễn nước ta không khó nhìn thấy những nguyên nhân dẫn tới điều đó, như: Các nền giáo dục tiên tiến bậc tiểu học và trung học, nhà trường chủ yếu giáo dục thể chất, giáo dục đạo đức và kỹ năng sống, đến bậc chuyên nghiệp mới chú trọng kiến thức cần thiết để làm việc. Trong khi đó, nền giáo dục nước ta bậc tiểu học và trung học lại tập trung nhồi nhét kiến thức mà không chú trọng giáo dục đạo đức. Phim ảnh, nghệ thuật, xuất bản hướng tới thị hiếu tầm thường, ít mang tính giáo dục, thậm chí phản văn hóa khi tiêm nhiễm vào xã hội những mánh khóe, cách hành xử tiểu nhân, bạo lực, vơ vét cho bản thân, không có tinh thần cống hiến cho xã hội... Hay trong các ngành khác chỉ chú tâm đến trang bị chuyên môn mà không quan tâm vấn đề đạo đức, lương tâm nghề nghiệp...

Tuy nhiên, tất cả dẫn chứng đó chỉ là những lát cắt đơn lẻ. Xuyên suốt đó phải là trách nhiệm của ngành văn hóa và ngành văn hóa phải là trung tâm, giữ vai trò chính đưa ra giải pháp về vấn đề này và xuất phát trước tiên từ lĩnh vực văn hóa. Đơn cử như các cuộc vận động nhân dân thực hiện hiện nay trong lĩnh vực văn hóa. Bây giờ ra đường, đi tới đâu cũng thấy biển hiệu “khu dân cư văn hóa”, “khu phố văn hóa”. Tỷ lệ gia đình văn hóa hầu như không nơi nào dưới 95%. Và các con số được báo cáo “năm sau cao hơn năm trước”. Khu dân cư văn hóa, xã văn hóa, huyện văn hóa và cứ đà này ít năm nữa sẽ có hàng loạt tỉnh văn hóa...

Những vấn đề đã nêu chắc chắn không phải xuất phát từ lĩnh vực kinh tế. Vì thế, nếu xác định sự xuống cấp đạo đức xuất phát từ các ngành kinh tế sẽ là một vấn đề rất đáng lưu tâm. Bởi ở một góc độ khác, nếu như vậy, mọi quốc gia, địa phương đặt mục tiêu phát triển kinh tế lên hàng đầu, vào trung tâm của sự phát triển, liệu có sai lầm? Phải chăng càng phát triển kinh tế thì sẽ càng dẫn tới sự thụt lùi của văn hóa? Chắc chắn không phải vậy. Bản thân kinh tế hay cụ thể là kinh tế thị trường cũng không tạo ra sự xuống cấp văn hóa, đạo đức. Chỉ có sự vận hành, áp dụng nó chưa tốt, chưa xử lý được những vấn đề nảy sinh nên mới tạo ra mặt trái mà thôi.

Hưng Nguyên

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu