Thứ 7, 20/04/2024 15:14:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 06:51, 28/09/2014 GMT+7

Đạo làm con

Chủ nhật, 28/09/2014 | 06:51:00 80 lượt xem
BP - Trong sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” có ghi lại một số gương hiếu thảo với cha mẹ của người xưa như sau:

Nguyễn Cửu Phùng là người huyện Đông Thành, trấn Nghệ An. Vào cuối đời Lê, bố bị tuyển đi lính, Phùng xin thế làm việc thay rồi sau có công và được làm Thiên bộ thiêm sự tổng trị. Sau vì bố mẹ già nên xin về phụng dưỡng cho đến lúc chết. Chẳng bao lâu sau, nước biển tràn ngập cả vùng ấy, người và súc vật phần nhiều bị ngập chết. Bố Phùng phải trèo lên cây để tránh nạn, còn mẹ đang ốm nên Phùng vội cõng lên trên nóc nhà. Khi bố mất, Phùng chôn cất hết lễ, thương nhớ gầy mòn, gào khóc suốt cả 3 năm. Sau người mẹ bị bệnh, Phùng thân trông nom thuốc thang hơn một năm không rời. Khi mẹ chết, Phùng cũng để tang thương xót gầy mòn như khi để tang bố. Đến tháng bỏ áo trở, ba lần ra viếng mộ, thương quá mà khóc, người làng đều khen ngợi. Năm Minh Mạng thứ 13, phùng được nhà vua ban biểu ngạch nêu khen.

Tạ Hữu Độ là người huyện Đông Thành, trấn Nghệ An. Lúc nhỏ mồ côi cha, chăm học. Khi bọn cướp tới, phần nhiều người trong xã bị giết hại. Mẹ Độ vì sợ mà chạy, bị giặc bắt được sắp đem giết, Độ lấy thân mình che chở cho mẹ và kêu xin chịu chết thay mẹ. Giặc tha cho cả hai. Mẹ tuổi già lại ốm, Độ chính thân nấu cơm cháo hầu nuôi, trải qua 5 năm không chút trễ nải. Khi để tang mẹ thương xót, khi hết lễ thì ngày ngày ra trước mộ thương xót không thôi, sự thương xót cảm động đến cả người đi đường. Năm Minh Mạng thứ 8 (1827), Độ được nhà vua ban biểu nêu khen. Con là Hữu Khuê khi đó đang làm Bố chính ở tỉnh Quảng Bình.

Nguyễn Đình Tế là người huyện Bạch Hạc, trấn Sơn Tây. Khi trước bố là Đình Cửu lấy vợ người họ Lê, sinh ra Tế và Quý Đinh. Người vợ lẽ của cha cũng họ Lê lại sinh con trai tên là Soạn. Đình Cửu say yêu nên gia sản đều giao cho vợ lẽ trông coi. Từ đó, người vợ lẽ cậy được yêu mến rồi sinh ra keo bẩn và ghen tuông, Tế và Đinh theo mẹ ra ở riêng, tự kinh doanh để sinh sống, thỉnh thoảng đến thăm viếng cha. Tế lại kính người vợ lẽ của cha, yêu em thứ, mọi người không có ai nói vào đâu được. Mẹ ốm, anh em hầu hạ thang thuốc, đêm ngày không trễ nải; khi mất chôn cất xong lại về cùng ở với cha, kính hầu người vợ lẽ của cha như là mẹ đẻ, hiếu kính đầy đủ, người vợ lẽ của cha cũng cảm hóa, đổi nết ghen ghét thành ra hiền từ, coi Đình và Tế như con mình đẻ ra.

Lại người chú họ là Nguyễn Duy Trường nhà nghèo khổ, Đình và Tế đem điền sản của phần mình chia cấp cho, không chút lận tiếc, ông bà ngoại nhà cũng nghèo, không có con nối dõi, Đình, Tế chọn người đồng phái làm thừa tự, lại đem điền sản về phận mình đặt ruộng ký kỵ để cung việc giỗ tết, làng xóm cho là người có nghĩa. Năm Minh Mạng thứ 8, ở bộ bàn định liệt vào nghĩa phu kiêm hiếu tử vào hạng bình, thưởng cấp cho bạc và ban khen biểu ngạch ở cửa.

Nguyễn Văn Trình là người huyện Quỳnh Lưu, trấn Nghệ An. Tính người thuần cẩn, có hiếu hạnh, mẹ có bệnh đau bụng lâu năm không khỏi, thầy thuốc bảo rằng: Đó là ăn nhằm thịt chim công, phải lấy được dạ dày con nhím thì chữa khỏi. Trình một mình vào trong núi bắt nhím không được, bèn mật khấn thần kỳ và đêm nằm mộng nghe thần bảo rằng: Ngươi vì mẹ tìm thuốc, không kiêng tránh ác thú, đó là hiếu hạnh, cho ngươi một con nhím. Hôm sau, quả nhiên bắt được một con nhím ở đằng Đông miếu rồi đem về làm thuốc, bệnh của mẹ khỏi liền.

Lời bàn:

Từ thượng cổ cho đến nay, mọi người ai ai cũng đều biết rằng hiếu thảo không phải là cái có sẵn trên đời hay trong mỗi con người, nó cũng không phải là cái từ trên trời rơi xuống và cũng không phải ở dưới đất chui lên, mà nó là sản phẩm của một quá trình giáo dục và sự nỗ lực rèn luyện không mệt mỏi của mỗi cá nhân. Nói tóm lại, hiếu thảo là bổn phận nhưng cũng là cách sống thông thường của những người bình thường. Cụ thể, khi bạn đang ăn hải sản cao cấp và thú rừng quý hiếm, uống rượu tây xịn, thì xin hãy nghĩ đến bố mẹ mình thường ăn, uống những thứ gì? Khi bạn mặc những bộ quần áo đắt tiền hàng hiệu ngoại nhập, xin hãy nghĩ xem bố mẹ bạn thường mặc ra sao? Khi bạn thoải mái tiêu dùng, xin hãy nghĩ đến những thứ đồ bố mẹ bạn đang dùng hằng ngày như thế nào? Khi bạn làm việc trong phòng máy lạnh, xin đừng quên cha mẹ, người thân của mình đang vật lộn với gió Lào ở miền Trung...

Và hiếu thảo không chỉ là sự kính trọng đối với ông bà, cha mẹ và tình yêu thương đối với người thân, bè bạn, mà còn là điều kiện để chúng ta được sống như là chính mình, để cảm nhận rằng mình vẫn cứ bé nhỏ khi được ở trong vòng tay yêu thương của người thân và bè bạn. Bởi thế, bậc hiền triết của mọi thời đại là Khổng Tử đã từng dạy rằng: Hiếu thảo là nguồn gốc của đạo đức. Vâng, điều này cũng có thể được hiểu là nếu ai đó không biết kính trọng, hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ thì xem như người ấy không có gốc. Nói đúng hơn là người đó không biết, không hiểu đạo làm người là như thế nào và cuối cùng nói đúng hơn là người đó không có đạo đức. Xin hậu thế đừng ai quên điều này.                

N.V

  • Từ khóa
109585

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu