Thứ 5, 18/04/2024 19:33:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 10:16, 01/09/2015 GMT+7

Đào tạo nghề cho lao động DTTS phải gắn với “địa chỉ” và nhu cầu của doanh nghiệp

Thứ 3, 01/09/2015 | 10:16:00 88 lượt xem
BP - Đó là ý kiến của ông Điểu Hơl, Trưởng ban Dân tộc, Trưởng đoàn khảo sát HĐND tỉnh về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2011-2015, tại Công ty TNHH MTV cao su Bình Long, UBND huyện Chơn Thành và Trường cao đẳng nghề Bình Phước ngày 31-8.

Tại Công ty cao su Bình Long, Phó bí thư Đảng ủy công ty Trần Hoàng Long cho biết: Nhiều năm qua, công ty luôn quan tâm, tạo điều kiện tuyển và sử dụng lao động người DTTS. Về tiền lương, ngoài đơn giá giao khoán chung, đối với lao động trồng mới và kiến thiết cơ bản là người DTTS, công ty còn hỗ trợ thêm 650 ngàn đồng/ha/năm. Tuy nhiên đến nay, tỷ lệ lao động người DTTS vẫn chưa cao (464/5.742 lao động toàn công ty, chiếm 8,08%). Nguyên nhân một phần do phong tục, lối sống, nhận thức của đồng bào còn hạn chế, đồng thời do lương công nhân cao su giảm.

Đoàn khảo sát tìm hiểu các chế độ, chính sách đối với lao động người DTTS tại Tổ 3, Đội 3, Nông trường Trà Thanh (Công ty TNHH MTV cao su Bình Long)

Đại biểu HĐND tỉnh, Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Tuyết Minh đề nghị: Công ty cao su Bình Long cùng các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam thực hiện đồng bộ Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 8-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Vì hiện Công ty cổ phần đầu tư xây dựng cao su Phú Thịnh và Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh đã được hưởng chính sách hỗ trợ theo quyết định này.

Theo báo cáo của UBND huyện Chơn Thành, từ năm 2011 đến hết tháng 6-2015, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho 685 lao động và đào tạo nghề cho 280 lao động DTTS. Hằng năm, các xã, thị trấn đều liên hệ với chủ trang trại, nông trường cao su thu nhận lao động DTTS đã qua đào tạo vào làm việc. Tuy nhiên, số lao động DTTS đăng ký học nghề phi nông nghiệp rất ít. Bên cạnh đó, mặc dù trên địa bàn huyện hiện có 190 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng thường tuyển lao động có bằng cấp, đã qua đào tạo nên lao động DTTS rất khó được tuyển dụng.

Ông Điểu Hơl đã đề nghị UBND huyện Chơn Thành, Trường cao đẳng nghề Bình Phước quan tâm hơn đến việc dạy ngành nghề cần thiết, phù hợp với trình độ và nhận thức của lao động DTTS. Trong đào tạo cần có “địa chỉ”, theo “đơn đặt hàng” gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, trang trại và các nhà máy trên địa bàn.            

 Hoàng Thu

  • Từ khóa
52261

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu