Thứ 5, 25/04/2024 18:39:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:18, 16/06/2019 GMT+7

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu thực tế

Chủ nhật, 16/06/2019 | 14:18:00 206 lượt xem
BP - Với phương châm “Đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu thực tế”, thời gian qua, nhiều lớp dạy nghề đã được Hội Nông dân tỉnh tổ chức tại địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Chỉ tính riêng trong năm qua, đã có trên 50 lớp đào tạo nghề cho hơn 1.400 lao động nông thôn, qua đó giúp họ có việc làm ổn định, từng bước vươn lên phát triển kinh tế.

Hộ ông Phan Văn Sơn ở thôn Long Xuyên, xã Long Hà, huyện Phú Riềng, 2 năm nay luôn là điểm đến học tập của nhiều nông dân. Có kinh nghiệm nuôi, nắm rõ quy trình kỹ thuật, dịch bệnh trên đàn gà nên gia đình ông Sơn được Hội Nông dân tỉnh chọn làm điểm mở lớp dạy nghề nuôi gà. Điểm đặc biệt tại lớp học này là tất cả học viên đều là người khuyết tật, thiếu đất sản xuất nên đầu tư nuôi gà trên diện tích nhỏ là hướng đi rất hợp lý. Tham gia lớp học, người dân được hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cách phòng tránh các bệnh thường gặp và thực hành nhỏ vắc-xin phòng bệnh cho đàn gà. Chị Vũ Thị Bích, người khuyết tật ở thôn 2, xã Long Hà tham gia lớp học, sau 3 tháng đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, được hội nông dân hỗ trợ giống, vật liệu làm chuồng trại và một ít thức ăn viên. “Lúc đầu, tôi rất lo lắng, nhưng được hội nông dân hỗ trợ, chú Phan Văn Sơn hướng dẫn, tôi vận dụng chặt chẽ vào thực tế. Nhờ vậy lứa gà đầu tiên tôi nuôi rất thành công, xuất bán hết 1 lần, thu hồi vốn rồi tái đàn. Bây giờ tôi đã nuôi thành thục, lúc nào chuồng cũng có 3 lứa gà nuôi gối đầu. Với những người khuyết tật, đây là công việc phù hợp sức khỏe, điều kiện kinh tế” - chị Bích nói.

Học viên nông dân phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài thực hành cạo mủ cao su

Là tỉnh có diện tích cao su rất lớn, tuy nhiên nông dân trồng cao su tiểu điền đa phần tự khai thác mủ, không qua đào tạo nghề khiến nhiều vườn cây bị hư hại, ảnh hưởng năng suất, chất lượng mủ. Vì vậy, trong năm qua, Hội Nông dân tỉnh phối hợp các công ty cao su trên địa bàn mở 38 lớp dạy nghề khai thác mủ cao su thu hút nhiều lao động nông thôn tham gia.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đào Thị Lanh cho biết: Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được hội quan tâm. Hội đã mở 50 lớp đào tạo nghề cạo mủ cao su, nuôi gà thả vườn, nuôi heo, trồng nấm, nghề mộc gia dụng... thu hút hàng ngàn lao động nông thôn theo học. Các lớp đào tạo nghề dạy theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, chú trọng hướng dẫn thực hành giúp học viên có thể áp dụng ngay vào quá trình sản xuất, chăn nuôi thực tế. Bên cạnh đó, hội còn tổ chức cho hội viên đi tham quan các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả để học hỏi kinh nghiệm, áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả cao.

Ngọc Minh

  • Từ khóa
62371

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu