Thứ 3, 23/04/2024 18:07:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:45, 16/09/2018 GMT+7

Đất nông nghiệp Bình Long đang giảm dần

Chủ nhật, 16/09/2018 | 08:45:00 421 lượt xem

BP - Đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất, nơi nông dân trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất ra sản phẩm phục vụ đời sống, sinh hoạt. Tuy nhiên, thời gian qua nông dân trên địa bàn thị xã Bình Long đang rao bán mảnh đất của gia đình. Từ đất ruộng đến đất cao su, khắp mọi nơi đều thấy người dân gắn biển bán đất. Tính đến ngày 31-5-2018, thị xã Bình Long có 395 trường hợp chuyển đổi mục đích sang đất ở, tăng 5,4 lần so với năm 2017; trong đó, 39 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất canh tác lúa sang đất trồng cây lâu năm, tăng 7,8 lần.

Mảnh đất ruộng nhà Bà Lê Thị Ngần đã được sang phẳng bằng đất đỏ

Gia đình ông Nguyễn Văn Thuy ở tổ 5, khu phố Bình An, phường An Lộc gắn bó với 1,4 ha đất từ hơn 20 năm nay. Kinh tế gia đình ông phụ thuộc hoàn toàn vào mảnh vườn trồng trọt các loại cây như điều, cao su, tiêu, bình quân thu nhập mỗi năm gần 100 triệu đồng. Thế nhưng tháng 12-2017, ông đã bán 5.000m2 đất trồng cây cao su được hơn 10 năm tuổi. Số tiền sang nhượng đất 1,1 tỷ đồng, ông đã gửi ngân hàng. Ông Thuy cho biết, diện tích đất còn lại, ông dự định trồng cây ăn trái và nếu đất được giá cũng sẽ bán hết mảnh vườn của gia đình. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại với số tiền trong tay ông chưa thể mua được mảnh vườn khác ưng ý.

6 sào đất trồng lúa ở ấp Phú Long, xã Thanh Phú được bà Lê Thị Tám mua lại từ năm 1990. Gia đình bà vừa cấy lúa vừa làm nghề mộc. Năm 2017, bà Tám bán 3 sào đất trồng lúa bởi trồng loại cây này không có hiệu quả. Số tiền bán đất bà dùng cho mục đích khác chứ không có ý định sẽ mua đất nông nghiệp để tiếp tục sản xuất. Nhìn mảnh đất đã được người khác san lấp nền chỉ còn sót lại ít dấu tích của ruộng bà không khỏi chạnh lòng. “Tiếc thì có tiếc nhưng không có tiền đành phải bán. Bán xong đất ruộng thì chuyển làm nghề khác” - bà Tám nói.

Bà Lê Thị Ngần ở ấp Phú Long, xã Thanh Phú chỉ cho chúng tôi mảnh ruộng đã được san lấp bằng phẳng giữa cánh đồng lúa. Năm 1984, bà vào ấp Phú Long sinh sống, mua 2,3 sào đất lúa. Khi giá đất lên cao, bà Ngần nhanh chóng bán ruộng lúa của gia đình. Bà còn cho biết diện tích đã san lấp là của 5 hộ dân xung quanh chứ không riêng gia đình bà.

Vì nhiều lý do, người nông dân đã bán mảnh đất của gia đình và hiện diện tích lúa, cây cao su đã được san phẳng thành những mảnh đất thổ cư. Hiện tượng “xẻ thịt” đất nông nghiệp nâng cấp thành đất ở đang là thực trạng diễn ra ở thị xã Bình Long.

Hoài Thi

  • Từ khóa
43134

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu