Thứ 7, 20/04/2024 13:48:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 15:42, 23/01/2019 GMT+7

Dấu ấn Bình Phước tại lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam

Thứ 4, 23/01/2019 | 15:42:00 215 lượt xem
BP - Với chủ đề “Văn hóa thổ cẩm - tinh hoa hội tụ”, lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất diễn ra từ ngày 14 đến 16-1 tại tỉnh Đắk Nông thu hút trên 2.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, vận động viên quần chúng là đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở 17 tỉnh, thành phố và 3 đoàn khách quốc tế tham gia. Lễ hội đã để lại dấu ấn trong lòng mọi người, tạo nên bức tranh đa sắc màu về không gian văn hóa thổ cẩm ở nước ta.

Lễ hội gồm chuỗi hoạt động như: Triển lãm thực nghiệm không gian văn hóa thổ cẩm Việt Nam tại Đắk Nông; không gian văn hóa ẩm thực các dân tộc Việt Nam; lễ hội đường phố; hội thảo văn hóa thổ cẩm các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Đắk Nông; phục dựng nghi lễ truyền thống của đồng bào các DTTS; trình diễn thời trang thổ cẩm... Đây là dịp để tôn vinh giá trị thổ cẩm của Việt Nam, tri ân các nghệ nhân qua bao thế hệ đã có công sáng tạo, bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm trở thành bản sắc văn hóa đặc trưng của từng dân tộc trên mọi miền Tổ quốc.

Nghệ nhân Điểu Đố (98 tuổi) được vinh danh nghệ nhân cao tuổi nhất lễ hội

Tại lễ hội lần này, Bình Phước có 40 nghệ nhân là đồng bào S’tiêng tham gia đầy đủ nội dung. Gây ấn tượng mạnh với du khách là trình diễn thời trang thổ cẩm của các nghệ nhân Bình Phước với chủ đề “Sắc màu S’tiêng”. Chương trình đã tái hiện đời sống của đồng bào gắn liền với trang phục truyền thống thổ cẩm từ trẻ em tới các già làng. Là cư dân nông nghiệp, người S’tiêng chủ yếu canh tác vườn rẫy, ruộng nước và khai thác tự nhiên nên trang phục của họ được thiết kế khá đơn giản để tiện lợi trong lao động, sản xuất. Già làng Điểu Đố (huyện Bù Đăng), nghệ nhân cao tuổi nhất được vinh danh tại lễ hội, cho biết: Trong xu thế phát triển và hội nhập mang tính toàn cầu, văn hóa thổ cẩm dần bị mai một. Vì vậy, tham gia lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần này tôi vui lắm. Tôi năm nay 98 tuổi, con cháu lớn lên đi làm ăn, không mấy ai còn mặn mà với nghề truyền thống. Vì vậy, liên hoan không chỉ góp phần bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS Việt Nam mà còn giúp chúng tôi có động lực để truyền và giữ nghề cho con cháu.

Người S’tiêng ở Bình Phước có khá nhiều truyền thuyết, truyện kể, thơ ca dân gian nói về nguồn gốc tộc người, về sự tích lai lịch các vị thần, về lịch sử đấu tranh và xây dựng của cộng đồng, những sinh hoạt thường ngày, tình yêu nam nữ... Trong đó, lối hát nói, hát kể (tâm - pơt) - hình thức chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của người S’tiêng đối với người mình yêu quý là lối hát phổ biến. Ngoài ra, các tiết mục được dàn dựng công phu do Đội văn nghệ thôn Bom Bo, xã Bình Minh (Bù Đăng) biểu diễn được đánh giá rất cao tại lễ hội.

Tại lễ hội, Ban tổ chức đã trao giải A cho các tiết mục: “Bản sắc cồng chiêng”, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, “Trình diễn trang phục dân tộc S’tiêng”; 2 giải B cho các tiết mục: “Bom Bo ngày hội”, “Ánh mắt S’tiêng”. Ngoài ra, với đôi tay khéo léo và điêu luyện, những nữ nghệ nhân ở Bình Phước còn mang đến lễ hội những tác phẩm thổ cẩm đẹp, tinh xảo. Kết quả, 2 nghệ nhân Thị Giôn, Điểu Thị Phương được trao giải nghệ nhân thực hành dệt thổ cẩm xuất sắc... Từ những đóng góp của nhiều cá nhân xuất sắc đã giúp Bình Phước đoạt giải A toàn đoàn.

Dịp này, Bình Phước còn tham dự hội thảo khoa học với chủ đề “Văn hóa thổ cẩm các dân tộc Việt Nam”. Tại hội thảo, gần 40 tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại biểu đã phác thảo nên một bức tranh đa sắc màu của văn hóa thổ cẩm các dân tộc Việt Nam, từ dân tộc Tà Ôi (Thừa Thiên - Huế), dân tộc Mơnông (Đắk Nông), S’tiêng (Bình Phước) cho đến các DTTS ở Lào Cai, Điện Biên và nhiều địa phương trong cả nước.

Theo Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, thổ cẩm không chỉ là trang phục, trang sức của các dân tộc mà còn là đặc trưng của mỗi tộc người. Các đường nét, hoa văn trên thổ cẩm là kết tinh văn hóa của mỗi dân tộc. Thách thức lớn nhất hiện nay là sự mai một của thổ cẩm. Từ chỗ hiện diện rộng khắp trong cộng đồng các dân tộc, trong đời sống hằng ngày, sinh hoạt sản xuất cho đến các lễ hội, lễ, tết, cưới hỏi, nay không gian thổ cẩm đang dần bị thu hẹp. Các kỹ thuật thêu, may, chế biến màu sắc, nghề trồng bông dệt vải dần bị lãng quên, do vậy sẽ rất khó khăn trong bảo tồn, gìn giữ, khôi phục về sau.

Từ thực tế này, rất mong các cấp chính quyền trong tỉnh quan tâm hơn đến văn hóa thổ cẩm, nhất là nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cộng đồng các tộc người về tầm quan trọng và ý nghĩa bản sắc văn hóa thổ cẩm trong quá trình phát triển. Qua đó khích lệ tinh thần tự hào về truyền thống dân tộc, cùng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau.

Lê Hưng - Điểu Minh

  • Từ khóa
93854

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu