Thứ 4, 24/04/2024 08:57:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:53, 06/09/2018 GMT+7

KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY THÀNH LẬP CAO SU PHÚ RIỀNG (6-9-1978 - 6-9-2018)

Dấu ấn một binh đoàn

Thứ 5, 06/09/2018 | 15:53:00 933 lượt xem

>> Cao su Phú Riềng - 40 năm xây dựng và phát triển
>> Xứng danh truyền thống “Phú Riềng Đỏ” anh hùng

BP - Những ai từng đến Bình Phước, có dịp đi trên quốc lộ 14, đoạn qua huyện Bù Đăng hay dọc theo tuyến ĐT741, qua các huyện, thị xã Đồng Phú, Phú Riềng, Phước Long, Bù Gia Mập đều nhìn thấy những cánh rừng cao su bạt ngàn, xanh ngát của Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng. Để có được những dòng vàng trắng mang lại ấm no cho bao thế hệ công nhân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa bàn đứng chân là cả một quá trình phấn đấu, xây dựng lâu dài, trong đó có sự đóng góp không nhỏ công sức của những người lính Binh đoàn 23 năm xưa.

Năm 1978, Bộ Nông nghiệp triển khai chương trình hợp tác trồng mới 50.000 ha cao su theo Hiệp định được Chính phủ 2 nước Việt Nam - Liên Xô ký kết trong thời gian 5 năm (1980-1984). Tháng 12-1980, Chính phủ và Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Binh đoàn 23 với nhiệm vụ cùng Công ty cao su Phú Riềng xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút lực lượng lao động và thực hiện khai hoang, trồng mới cao su. Theo đó, Binh đoàn 23 trực thuộc Quân khu 7, trên cơ sở sáp nhập các đơn vị: Sư đoàn 3B, 2 Trung đoàn bộ binh 813, 815 và Trung đoàn công binh 270, Đoàn vận tải 647. Đây là những đơn vị có thành tích xuất sắc trong công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả ở nước bạn Campuchia.

Ngày ấy, những người lính Binh đoàn 23 phải vừa học hỏi, tiếp thu kỹ thuật trồng mới cao su vừa lo dựng lán trại, cất nhà, đắp đập làm hồ để có nguồn nước tưới cho cao su và phục vụ nhu cầu sinh hoạt của các gia đình công nhân. Binh đoàn còn biệt phái 30 sĩ quan bổ sung cho bộ máy quản lý của công ty. Hầu hết đều là giám đốc, phó giám đốc, cán bộ trợ lý, tham mưu của các nông trường. Đã có biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu xương đổ xuống cho công cuộc hồi sinh những vùng đất hoang hóa ở Phước Long, Bù Đăng, Đồng Phú bị tàn phá sau chiến tranh.

Là cán bộ biệt phái từ binh đoàn sang công tác, ông Nguyễn Văn Tý, nguyên Bí thư Đảng ủy công ty, nguyên Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Trung đoàn công binh 270 kể lại: “Chiến tranh đã qua đi, nhưng ở những khu vực đơn vị khai hoang trồng cao su bom, mìn sót lại trong lòng đất rất nhiều, chất độc hóa học tồn lại chưa được xử lý. Thêm vào đó, các loại rắn độc, muỗi, vắt nhiều vô kể. Trong khi binh đoàn đóng quân giữa những cánh rừng le, lồ ô bạt ngàn, đường sá sình lầy, đi lại rất vất vả nên những người lính phải sống và làm việc trong điều kiện khó khăn chồng chất. Đáng ngại nhất là ký sinh trùng sốt rét ác tính vẫn hoành hành, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bộ đội và nhân dân trong vùng. Trước khó khăn đó, binh đoàn phải dốc hết sức mình, một người làm việc bằng 2 để ổn định nơi ăn chốn ở, chuẩn bị cơ sở vật chất đón công nhân các nơi đến lập nghiệp, gắn bó lâu dài với công ty”.

Giờ đã nghỉ hưu nên ông Nguyễn Văn Tý, nguyên Bí thư Đảng ủy công ty - người lính Binh đoàn 23 năm xưa, chọn thú vui chăm sóc cây cảnh tại nhà ở thôn Phú Nguyên, xã Phú Riềng 

Tham gia chiến đấu trên chiến trường Campuchia, năm 1980, ông Nguyễn Văn Vượng được điều về làm Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng Trung đoàn công binh 270, rồi Trưởng ban Tác chiến Binh đoàn 23. Cuối năm 1982, ông được biệt phái làm Giám đốc Nông trường 8 đến khi nghỉ hưu (năm 2004). Ông nói: Nông trường 8 thành lập tháng 10-1980, tiền thân là đơn vị bộ đội làm kinh tế. Từ tháng 12-1981 đến tháng 6-1984, chúng tôi tiếp nhận một lượng lớn lao động thuộc 3 tỉnh Bình Trị Thiên, Thanh Hóa và Hà Sơn Bình theo sự điều động của Cục Điều động lao động, Bộ Lao động. Lúc đó, cuộc sống của công nhân gặp muôn vàn khó khăn, lại đối mặt với bệnh sốt rét ác tính nên nhiều người đã quay về quê hương sinh sống. Để duy trì sản xuất theo đúng kế hoạch, những người lính vừa phải tuyên truyền, vận động người lao động an tâm tư tưởng, vừa tham gia sản xuất để bảo đảm lương thực và tổ chức chặt cây dựng nhà, mở lớp dạy chữ cho con em công nhân. Nhờ đó, hoạt động sản xuất dần đi vào ổn định và đến nay nông trường đã phát triển vượt bậc về mọi mặt.

Tuy đã bước qua tuổi “thất thập” nhưng ông Nguyễn Văn Vượng, nguyên Giám đốc Nông trường 8, người lính Binh đoàn 23 năm xưa vẫn khỏe mạnh, vui sống chan hòa cùng vợ và con cháu

Cuối năm 1983, Binh đoàn 23 hoàn thành nhiệm vụ trên công trình cao su Phú Riềng, đại bộ phận cán bộ và chiến sĩ trở về quân đội. Nhưng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, binh đoàn cho chuyển ngành trên 120 sĩ quan và hạ sĩ quan tiếp tục làm nhiệm vụ quản lý các nông trường, xí nghiệp và đơn vị trực thuộc công ty. Thiếu tướng Mai Văn Phúc, nguyên Tư lệnh Binh đoàn 23 chia sẻ: “Trong cuộc đời binh nghiệp, vinh quang cũng nhiều mà nỗi buồn cũng không ít, bởi có trận đánh thắng to, có trận đánh thắng nhỏ nhưng không ít lần bị tổn thất, đau thương. Làm kinh tế cũng vậy, sự va vấp, thiếu sót là không thể tránh khỏi. Nhờ cái chất của Bộ đội Cụ Hồ đã in sâu vào tâm trí những người lính nên họ tự nguyện cống hiến và làm việc hết mình, dù đây là mặt trận mới còn nhiều khó khăn. Tôi luôn biết ơn những cán bộ, công nhân cao su Phú Riềng ngày ấy đã đồng cam cộng khổ, cùng giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ”.

Hầu hết những cán bộ, công nhân viên nguyên là cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 23 nay đã nghỉ hưu nhưng vườn cây và cuộc sống của công nhân cao su thì không ngừng chuyển động. Trước đây, bộ đội cùng công nhân phải băng rừng trên những con đường gai góc đào hố trồng cao su, ăn cơm độn măng le, ngủ trong các căn lán đơn sơ với tiếng muỗi vo ve... Nay thay vào đó là những vườn cao su cho dòng mủ dạt dào; các tuyến đường từ công ty đến nông trường, tổ sản xuất đều được nhựa hóa và cấp phối, tạo thuận lợi cho ôtô, xe máy của công ty, nông trường và công nhân đi lại; trụ sở của công ty đến các nông trường, tổ sản xuất đều khang trang, sạch đẹp; đời sống công nhân ngày càng đủ đầy với phần lớn là khá, giàu, 100% có nhà xây kiên cố, con em được đến trường đầy đủ... Phát huy truyền thống “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, công ty không chỉ quan tâm hỗ trợ, động viên vật chất và tinh thần mà hằng năm đều tổ chức họp mặt để tri ân những cựu chiến binh Binh đoàn 23 - những người đã đặt nền móng để có Cao su Phú Riềng hôm nay.

Lâm Phương

  • Từ khóa
22866

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu