Thứ 5, 28/03/2024 23:50:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:57, 01/09/2015 GMT+7

Đâu cần làm điều nguy hiểm ấy!

Thứ 3, 01/09/2015 | 14:57:00 115 lượt xem

BP - Mấy ngày qua, trên mạng xã hội có nhiều ý kiến trái chiều trước nội dung bài học về lòng dũng cảm dạy trẻ đi trên mảnh thủy tinh trong cuốn sách “Thực hành kỹ năng sống” cho học sinh lớp 1. Bài học có nội dung: Cô giáo rải một thảm thủy tinh dày và yêu cầu học sinh đi qua. Cả lớp đều sợ hãi. Được cô giáo động viên, hướng dẫn, bạn An đã tự tin đi qua thảm thủy tinh dễ dàng. Sau đó, An đã động viên các bạn và cả lớp đều đi qua được thảm thủy tinh mà không ai bị thương. Ngay sau khi có những dư luận trái chiều về nội dung cuốn sách nói trên, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu thu hồi cuốn sách.

Có thể thấy ở tất cả các bậc học, từ mầm non đến đại học ở nước ta từ trước tới nay đều thiên về kiến thức hàn lâm, lý thuyết mà coi nhẹ thực hành. Quỹ thời gian của hầu hết học sinh là học ở trường, học thêm, rất ít tham gia hoạt động ngoại khóa. Những việc trong gia đình như dọn nhà, nấu cơm, rửa chén, giặt quần áo... đều do cha mẹ làm vì ai cũng muốn dành thời gian cho con cái học tập. Chính sự “ưu tiên” này đã khiến nhiều thanh, thiếu niên dù đã lớn lộc ngộc vẫn rất lơ mơ về kỹ năng sống.

Tháng 11 năm ngoái, kết quả khảo sát của thầy giáo Trần Đình Trợ ở Trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh) về kỹ năng sống của học sinh trong lớp 12 do thầy làm chủ nhiệm đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Khảo sát trên 45 em thì có 41/45 em thường đi qua sông suối nhưng chỉ 4 em biết bơi, kiểu “chó ngoi nước lụt”. 45/45 em thường xuyên ăn cơm nhưng chỉ 15 em biết nấu cơm, trong đó chỉ 5 em thường xuyên nấu cơm cho gia đình. Có 17/45 em thỉnh thoảng rửa chén... Khảo sát của thầy Trợ đã khiến nhiều người giật mình. Dù ngành giáo dục đã cố gắng đưa kỹ năng sống vào trường học nhưng cho đến nay vẫn chưa có một bộ chuẩn về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh nên mạnh trường nào trường nấy làm và mỗi nơi dạy một kiểu, hầu hết chỉ là lồng ghép trong các tiết học giáo dục công dân. Thế nhưng những bài giảng trên lớp chỉ có thể giúp các em hình dung về kỹ năng sống chứ chưa thật sự hiểu hoặc cảm thấy có ích với bản thân mình.

Theo các chuyên gia tâm lý, học kỹ năng sống cũng giống như học bơi, phải nhảy xuống nước chứ không thể đứng trên bờ nghe lý thuyết mà biết bơi được. Bồi đắp kỹ năng sống cho học sinh phải được thực hiện từ bậc mầm non và phải gắn liền với hoạt động hằng ngày của các em như giao tiếp, rèn luyện bản lĩnh cá nhân, bảo vệ bản thân, có tinh thần đồng đội và biết sẻ chia... Tuy nhiên, hiện chỉ ở các thành phố, khu đô thị học sinh mới có điều kiện được học kỹ năng tại các trung tâm, còn ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, kỹ năng sống với các em là điều xa vời. Cũng vì thiếu kỹ năng sống mà nhiều sinh viên ra trường với tấm bằng loại ưu vẫn bị các nhà tuyển dụng lắc đầu. Rồi từ cực nọ chuyển sang cực kia, các trung tâm dạy kỹ năng mọc lên như nấm; sách dạy kỹ năng thì nhan nhản, ai cũng có thể viết và phát hành!

Là một người mẹ, dẫu biết con mình, cháu mình còn thiếu kỹ năng sống, nhưng tôi cho rằng để giáo dục các em về lòng dũng cảm thì đâu cần phải làm một việc nguy hiểm là dạy các em đi trên thảm thủy tinh. Chỉ cần chỉ dẫn, động viên để các em dám nói lên chính kiến của mình, dũng cảm nhận lỗi và biết sửa lỗi, tự bảo vệ bản cũng đủ. Đâu cần nhồi nhét vào những cái đầu non nớt những điều cao siêu mà ngay cả người lớn cũng “bở hơi tai” mới hiểu và làm theo được!

Linh Tâm

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu