Thứ 6, 29/03/2024 17:03:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:03, 04/07/2014 GMT+7

Đau đầu với thu ngân sách

Thứ 6, 04/07/2014 | 14:03:00 72 lượt xem
BP - 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước mới phát sinh trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 1.386 tỷ đồng, đạt 40% dự toán Bộ Tài chính giao và đạt 35% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 80% so cùng kỳ năm 2013. Tại buổi giám sát của Thường trực HĐND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, vấn đề thu ngân sách, nhất là thu nợ thuế chiếm khá nhiều thời gian và khiến nhiều người phải đau đầu.

NỢ THUẾ TĂNG CAO

Ông Trần Văn Hướng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuế tỉnh cho biết: Tính đến 31-5-2014, tổng nợ thuế của các công ty, doanh nghiệp trong toàn tỉnh là 856.497 triệu đồng. Trong đó, nợ của các doanh nghiệp rơi vào tình trạng giải thể, làm ăn thua lỗ, bỏ trốn, mất tích... là 273.854 triệu đồng; nợ chờ xử lý 49 triệu đồng và nợ phải thu hồi là 582.596 triệu đồng. So cùng kỳ năm 2013 thì tổng nợ tăng 93.517 triệu đồng (tăng 12%), chủ yếu số nợ thuế tăng là do phạt nộp chậm (86 tỷ đồng). Trong 582.596 triệu đồng nợ phải thu hồi thì có 171.862 triệu đồng tiền phạt lũy kế và 113.485 triệu đồng tiền thuế của 47 doanh nghiệp, công ty không còn khả năng nộp thuế (không phát sinh thuế, đang lâm vào tình trạng phá sản, tạm ngưng hoạt động nhưng không làm thủ tục và cơ quan thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế đình chỉ sử dụng hóa đơn). Như vậy, số nợ thuế còn phải thu hồi thực tế chỉ là 297.249 triệu đồng.

GIẢM THU DO THAY ĐỔI CHÍNH SÁCH THUẾ VÀ GIÁ MỦ CAO SU GIẢM

Tại buổi giám sát của Thường trực HĐND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, có 2 nguyên nhân chính được các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh đưa ra để lý giải cho tỷ lệ thu đạt thấp. Đó là giá bán mủ cao su những tháng đầu năm 2014 giảm 35% so cùng kỳ năm 2013. (Giá bình quân 6 tháng đầu năm 2013 là 65 triệu đồng/tấn, 6 tháng đầu năm 2014 là 42 triệu đồng/tấn, trong khi Bộ Tài chính giao giá bán bình quân 55 triệu đồng/tấn). Do giá bán thấp nên lượng mủ cao su tồn kho của các doanh nghiệp trong tỉnh tăng hơn 59% so cùng kỳ năm trước, tương đương 24.873 tấn.

Giá bán mủ cao su những tháng đầu năm 2014 giảm đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Ảnh: Công nhân Nông trường Thọ Sơn, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng thu gom mủ nước - Ảnh: B.L

Cùng với giá mủ cao su hạ thấp, việc thay đổi chính sách thuế cũng làm công tác thu ngân sách gặp nhiều khó khăn. Đó là việc thực hiện Thông tư số 219/2013/TT-BTC, ngày 31-12-2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP, ngày 18-12-2013 của Chính phủ về quản lý thu thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng... do miễn thu thuế giá trị gia tăng đã làm giảm thu so dự toán năm 2014 là 550 tỷ đồng.

NẾU LÀM GẮT SẼ ẢNH HƯỞNG MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ CỦA TỈNH

Đó là nỗi băn khoăn của ông Trần Văn Hướng khi đề cập đến các biện pháp thu hồi nợ thuế. Ông Hướng cho biết ngay từ đầu năm 2014, Cục Thuế đã giao chỉ tiêu thu nợ cho các chi cục thuế huyện, thị và văn phòng Cục thuế tỉnh với mức phấn đấu phải thu 90% số nợ của năm 2013 chuyển qua, số tuyệt đối là 467.086 triệu đồng. Trong 6 tháng, Cục Thuế đã thực hiện 7 cuộc kiểm tra tại các chi cục: Bình Long, Lộc Ninh, Bù Gia Mập, Phước Long, Đồng Xoài, Đồng Phú và Bù Đăng để kịp thời chấn chỉnh các đơn vị chưa thực hiện nghiêm quy trình quản lý nợ và quy trình cưỡng chế nợ thuế theo quy định. Ngoài việc triển khai đầy đủ, kịp thời các quy định của trung ương, thông báo tiền thuế và tiền phạt nộp chậm tới 100% trường hợp nợ đọng, Cục Thuế đã áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn như: Đã mời 16 đơn vị cam kết nộp thuế với số thuế nợ 48.658 triệu đồng, nhưng các đơn vị này mới chỉ nộp được 11.375 triệu đồng vào ngân sách; thông báo đình chỉ hóa đơn đối với 24 trường hợp với số tiền nợ thuế 44.307 triệu đồng, nhưng chỉ cưỡng chế được 2.410 triệu đồng. Biện pháp trích tiền từ tài khoản cũng được thực hiện đối với 104 đơn vị với số tiền 64.237 triệu đồng. Tuy nhiên, qua cưỡng chế, chỉ thu được 2.897 triệu đồng, vì hầu hết các doanh nghiệp không có tiền trong tài khoản!

Ở góc độ chuyên môn của người làm công tác thuế, ông Hướng cho rằng, ngoài giá mủ cao su hạ thấp và thay đổi chính sách thuế, còn một số nguyên nhân khiến việc thu ngân sách gặp khó khăn và tình trạng nợ thuế ngày càng tăng cao. Đó là, việc thành lập doanh nghiệp hiện nay quá dễ dàng, không cần chứng minh năng lực tài chính nên một số doanh nghiệp lợi dụng đăng ký vốn cao khi thực chất không có. Khi cơ quan thuế thực hiện cưỡng chế thì không được bởi doanh nghiệp không có tài sản, không có hàng tồn kho và năng lực tài chính. Hiện trên địa bàn tỉnh có 20 cặp doanh nghiệp (tức 40 doanh nghiệp) có mối quan hệ gia đình. Cụ thể là doanh nghiệp của cha, mẹ nợ thuế rồi nghỉ, thành lập doanh nghiệp khác do người cùng gia đình đứng tên tiếp tục kinh doanh, nợ thuế với số tiền thuế và phạt nợ là 184.782 triệu đồng. Thứ hai là chỉ những khoản nợ thuế từ 10 năm trở lên và cơ quan thuế đã áp dụng hết các biện pháp cưỡng chế nhưng không thu hồi được mới xóa nợ, dẫn đến số nợ thuế ngày càng tăng cao. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.878 doanh nghiệp, hộ kinh doanh nợ thuế thuộc nhóm này với tổng tiền thuế phải nộp là 273.854 triệu đồng. Thứ ba, thời hạn cưỡng chế để thu nợ theo Luật Quản lý thuế chỉ sau 90 ngày nên các doanh nghiệp cố tình chiếm dụng tiền thuế.

PHẤN ĐẤU THU ĐỦ 200 TỶ ĐỒNG NỢ THUẾ

Đó là quyết tâm chính trị của ngành thuế tỉnh trong 6 tháng cuối năm 2014. Trên cơ sở nợ thuế đến ngày 31-5 còn phải thu sau khi trừ tiền phạt chậm nộp, tiền của các doanh nghiệp không còn khả năng nộp thuế, Cục Thuế Bình Phước phấn đấu thu đạt 67% tổng số tiền thuế, tiền phạt còn phải thu hồi là 297.249 triệu đồng, với số tuyệt đối phải thu là 200 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, tổ công tác liên ngành của UBND tỉnh đã đề nghị cơ quan công an mời 13 đơn vị với số thuế nợ 106.955 triệu đồng lên làm việc, nhưng chỉ có 11 đơn vị chấp hành. Qua làm việc, có 10 đơn vị cam kết nộp thuế với số thuế là 9.900 triệu đồng; có 1 đơn vị (Công ty TNHH Phương Hậu) đã nộp với số tiền 5.376 triệu đồng. Tính đến tháng 5-2014, cơ quan thuế đã chuyển 47 hồ sơ doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế với số nợ 101.752 triệu đồng đến cơ quan công an các cấp để xử lý theo quy định.

Để thực hiện được chỉ tiêu này, ngoài các biện pháp thông thường như thông báo nợ thuế và phạt chậm nộp, triển khai các biện pháp đôn đốc, xử lý các doanh nghiệp lợi dụng chính sách thuế xuất bán hóa đơn, trốn thuế, chây ì chiếm đoạt tiền thuế... ngành thuế sẽ áp dụng các biện pháp bất thường như: Phân tích diễn biến, tình hình nợ thuế của người nộp thuế; rà soát các khoản nợ dưới 90 ngày, xác định từng khoản nợ để thu nộp kịp thời. Những khoản nợ thuế trên 90 ngày và các khoản nợ thuế lớn sẽ phân kỳ cho đối tượng nộp theo cam kết và cương quyết cưỡng chế khi đối tượng cố tình chây ì, đăng tải thông tin doanh nghiệp trốn thuế, chậm nộp thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng...           

 T.N

  • Từ khóa
37529

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu