Thứ 6, 29/03/2024 13:49:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 15:22, 22/04/2014 GMT+7

Đầu tư 50.000 tỉ đồng để có thêm 9 triệu hộ có điện

Thứ 3, 22/04/2014 | 15:22:00 94 lượt xem

Trong 15 năm điện khí hóa nông thôn, đến nay đã có thêm 9 triệu hộ nông dân được sử dụng điện (nâng tỉ lệ 62,5% hộ nông thôn có lưới điện năm 1987 lên 97,6%).

Tập đoàn Điện lực VN (EVN) vừa có báo cáo tổng kết đánh giá 15 năm thực hiện điện khí hóa nông thôn VN, chuẩn bị nội dung báo cáo tại “Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm điện khí hóa nông thôn và vận động ODA cho Việt Nam để thực hiện Chương trình Điện khí hóa nông thôn” sắp được tổ chức.

Theo đó, trong 15 năm qua (từ 1998-2013), EVN đã đầu tư khoảng 50.000 tỉ đồng trên địa bàn 62 tỉnh/thành phố (trừ TP.HCM). Trong đó, riêng vốn vay ODA của các tổ chức quốc tế là hơn 2,5 tỉ USD.

Kết quả: nếu năm 1998 có 7,111/11,384 triệu hộ nông thôn có điện lưới (đạt tỉ lệ 62,5%) thì đến cuối năm 2013 có 16,225/16,620 triệu hộ nông thôn đã được dùng điện lưới (đạt tỉ lệ 97,62%). Như vậy trong 15 năm, VN đã tăng thêm 2.329 xã có điện lưới và tăng thêm hơn 9 triệu hộ dân có điện.

EVN nêu trong giai đoạn 1996-2005 dù phải đầu tư các nguồn và lưới điện để phục vụ nhu cầu tăng nhu cầu dùng điện bình quân hằng năm trên 18%, nhưng mỗi năm EVN vẫn phải dành khoảng 400 tỉ đồng để đầu tư đưa điện đến trung tâm huyện, xã chưa có điện.


Điện lực Kiên Giang đang lắp đặt điện kế để cấp điện cho người dân đảo Phú Quốc 

Về những dự án này, EVN khẳng định dù tạo tiền đề phát triển kinh tế và góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhưng về lĩnh vực tài chính của EVN thì… không có khả năng hoàn vốn.

Lý do, các công trình đưa điện về nông thôn đòi hỏi chi phí đầu tư lớn trong khi mức sử dụng điện lại không tương xứng và doanh thu tiền điện không đủ trang trải chi phí quản lý và khấu hao tài sản.

Giai đoạn 2005-2013, EVN nêu ngoài việc cấp điện cho các xã, thôn bản, hộ dân chưa có điện trên đất liền, EVN đã đưa điện lưới quốc gia ra hàng loạt huyện đảo tiền tiêu bằng cáp ngầm. Mỗi dự án này đều trị giá cả ngàn tỉ đồng như: dự án “đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô” có tổng vốn đầu tư gần 1.106 tỉ đồng; cấp điện cho huyện đảo Phú Quốc có tổng vốn đầu tư gần 2.336 tỉ đồng…

EVN cũng tiết lộ đang thực hiện dự án cấp điện cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm với tổng mức đầu tư là 652 tỉ đồng (trong đó vốn ngân sách cấp 85% và vốn của EVN là 15%).

Đảo Lý Sơn sắp tới sẽ có lưới điện từ đất liền ra, đồng bộ với hệ thống lưới điện trên đảo đang được thi công. EVN khẳng định việc đầu tư này sẽ được thực hiện trong năm 2013-2014.

Về định hướng nhu cầu cấp điện nông thôn đến năm 2020, EVN cho biết sẽ huy động mọi nguồn lực xã hội như vốn trung ương, địa phương, tìm kiếm các nguồn vốn ODA mới để tiếp tục điện khí hóa.

Tuy nhiên, để người dân các vùng sâu, vùng xa có điện, EVN kiến nghị các địa phương cần chịu trách nhiệm về chi phí và thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng, cấp đất cho công trình đầu tư lưới điện.

Ngoài ra, Bộ Công thương cần có một cơ quan điều phối chỉ đạo có đủ năng lực trình độ điều hành, làm việc với các bộ ngành liên quan và các nhà tài trợ để tìm kiếm nguồn vốn, cũng như xây dựng hành lang quy định chung cho toàn bộ chương trình điện khí hóa nông thôn...

Nguồn TTO

  • Từ khóa
37365

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu