Thứ 5, 25/04/2024 02:25:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:54, 12/03/2019 GMT+7

Dạy con nên người

Thứ 3, 12/03/2019 | 14:54:00 233 lượt xem

BP - Theo sách “Ngũ triều danh thần ngôn hành lục”, lúc ở Tô Châu, Phạm Trọng Yêm mua 1.000 mẫu ruộng tốt ở vùng ngoại ô để nuôi những người dân bần cùng. Phạm Trọng Yêm thường xuyên dạy con phải sống giản dị, tiết kiệm. Ông thường nói: Lúc bần hàn, ta đã cùng mẹ của các con phụng dưỡng bà nội. Bởi vì trong nhà nghèo khó nên đã không thể phụng dưỡng tốt cho bà nội được. Hiện giờ đã có bổng lộc cao hơn, có điều kiện để phụng dưỡng tốt thì bà lại không còn sống trên đời nữa. Mẹ của các con cũng sớm qua đời, đây là chuyện làm ta đau lòng nhất. Cho nên, ta sao có thể để các con sống xa hoa thoải mái được, đó là vui hưởng phú quý mà quên mất cái gốc.

Ngày cưới của con trai là Phạm Thuần Nhân, bởi vì cô dâu có phần xinh đẹp hơn người nên Phạm Thuần Nhân rất vui vẻ, dùng tơ lụa đắt tiền làm màn. Việc này đối với những gia đình quan lại khác là bình thường, nhưng với Phạm Trọng Yêm thì lại là một việc không vui. Ông nghiêm khắc nói với con trai: Tơ lụa quý là dùng để làm màn sao? Nhà chúng ta xưa nay sống thanh bần, giản dị, sao con có thể tùy tiện phá hủy gia pháp như vậy được? Con nếu dám lấy lụa quý làm màn, cha sẽ ở ngay trong sân mà đốt nó đi!

Dưới sự quản giáo nghiêm khắc của Phạm Trọng Yêm, gia đình họ Phạm trước sau đều giữ gìn được nếp sống thanh bần, giản dị. Không chỉ thế, các con của Phạm Trọng Yêm chịu ảnh hưởng từ cách sống của ông nên cũng rất thích giúp đỡ người khác, vui với việc trợ giúp người nghèo. Họ luôn lấy cha làm tấm gương để học hỏi, noi theo. Thời Phạm Trọng Yêm còn làm quan ở Tuy Dương, một lần ông đã sai con trai Phạm Thuần Nhân đến Tô Châu để vận chuyển một thuyền lúa. Lúc ấy Phạm Thuần Nhân còn rất trẻ. Khi anh ta vận chuyển thuyền lúa về đến Đan Dương thì gặp người bạn cũ là Thạch Mạn Khanh. Phạm Thuần Nhân hỏi anh ta: Tại sao anh ở lại đây lâu như vậy? Thạch Mạn Khanh đáp: Nhà tôi đang có tang nhưng không có tiền để đưa linh cữu về quê nhà.

Phạm Thuần Nhân nghe xong, liền cho Thạch Mạn Khanh nguyên cả thuyền đầy lúa, để anh ta có tiền về quê.Phạm Thuần Nhân trở về nhà, không biết thưa chuyện với cha thế nào nên đứng mãi bên cạnh cha thật lâu không nói gì. Phạm Trọng Yêm thấy vậy, hỏi: Con lần này đến Tô Châu, có gặp người bạn nào không? Phạm Thuần Nhân trả lời: Khi đi ngang qua Đan Dương, con tình cờ gặp Thạch Mạn Khanh. Cậu ấy đang có tang người thân nhưng không có tiền để đưa linh cữu về quê, nên bị mắc lại ở đó. Phạm Trọng Yêm liền nói với con: Vậy sao con không lấy hết thuyền lúa mà tặng cho cậu ấy? Phạm Thuần Nhân nghe cha nói vậy, trong lòng cảm thấy mừng rỡ, trả lời: Thưa cha! Con đã tặng cả thuyền lúa cho cậu ấy rồi. Phạm Trọng Yêm nghe con trai nói xong thì rất vui vẻ, khen con làm vậy là rất đúng. Từ sau sự việc đó, người đời đều hiểu rằng, gia phong của Phạm Trọng Yêm đã được truyền cấp thành công cho con trai ông rồi.

Mặc dù quyền cao chức trọng, bổng lộc lớn nhưng Phạm Trọng Yêm không để lại tiền của cho con cái, mà toàn bộ dùng vào việc thiện, cứu khổ phò nguy, truyền đức nhân, lấy việc thiện làm vui cho con cháu. Con trai cả của ông là Phạm Thuần Hữu mới 16 tuổi đã theo cha chiến đấu với Tây Hạ, lập được chiến công liên tiếp, là trợ thủ đắc lực của cha. Con trai thứ Phạm Thuần Nhân sau này làm Tể tướng, suốt 50 năm làm quan luôn tận tụy với trách nhiệm công tác. Người con thứ ba là Phạm Thuần Lễ làm quan tới Thượng thư. Con trai thứ tư Phạm Thuần Túy làm tới Thị lang bộ Hộ. Tất cả các  con của Phạm Trọng Yêm đều chịu ảnh hưởng của cha, lời nói và việc làm đều gương mẫu, là người chính nghĩa, dám nói thẳng, yêu thương dân. Họ đều nổi tiếng thanh liêm, tác phong giản dị. Những bổng lộc làm quan họ đều dùng hầu hết vào việc thiện, cứu khốn phò nguy, tiếp bước và mở rộng thêm chí hướng của cha, trong khi cuộc sống của bản thân họ và gia đình lại vô cùng giản dị.

Lời bàn:

Bất cứ một quốc gia, dân tộc nào trên trái đất này, đều có nền giáo dục riêng để đào tạo nhân tài cho đất nước. Vì vậy, câu nói nổi tiếng của Quản Di Ngô thời Xuân Thu (năm 685 trước Công nguyên, khi ông được phong làm Tể tướng) cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, rằng: “Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc; Thập niên chi kế mạc như thụ mộc; Bách niên chi kế mạc như thụ nhân”. Nghĩa là: Một năm không gì hơn bằng trồng lúa; Mười năm không gì hơn bằng trồng cây; Trăm năm không gì hơn bằng trồng người. Và kế hoạch trồng người là kế sách để đào tạo nhân tài cho đất nước.

Và đó là kế sách hưng thịnh lâu dài của một quốc gia. Còn với từng gia đình thì làm cha mẹ, ai cũng muốn để lại cho con cháu những gì tốt đẹp nhất. Nhưng thực ra, dù có chu cấp tiền của nhiều đến đâu cũng chỉ là vật ngoài thân, giáo dục coi trọng đạo đức hướng thiện mới mang lại phúc ấm lâu dài cho con cháu nhiều đời sau. Bởi vậy cho nên, giáo dục trong các gia đình thời xưa đều lấy việc dạy luân lý đạo đức làm cốt lõi cao nhất. Giáo dục, nghĩa là nuôi dưỡng và dạy dỗ, rèn luyện nên người có ích cho đời. Nhà giáo Chu Văn An, người thầy đạo cao đức trọng, là biểu tượng thiêng liêng về đạo học và hình ảnh người thầy của dân tộc Việt Nam đã khẳng định: “Ta chưa từng thấy nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được”. Và trong mỗi gia đình cũng vậy, nếu sự giáo dục con cái bị xem nhẹ thì chắc chắn sẽ chẳng bao giờ khá được.

N.D

  • Từ khóa
110160

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu