Thứ 7, 27/04/2024 00:25:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:10, 01/10/2019 GMT+7

Đẩy mạnh chi trả dịch vụ an sinh xã hội không dùng tiền mặt

Thứ 3, 01/10/2019 | 15:10:00 401 lượt xem
BP - Trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) hằng tháng, BHXH một lần; ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; trợ cấp thất nghiệp tăng dần qua các năm. Phương thức chi trả cho người hưởng được thực hiện bằng nhiều hình thức linh hoạt như thanh toán trực tiếp, thanh toán qua ngân hàng, qua bưu điện. Mặc dù tỷ lệ người hưởng nhận qua tài khoản cá nhân hằng năm tăng nhưng vẫn chiếm tỷ lệ thấp so với số nhận bằng tiền mặt.

Tính đến cuối năm 2018, số người nhận các chế độ BHXH qua tài khoản cá nhân là 1.045 người với khoảng 39.504 triệu đồng trong tổng 172.496 người với 1.144.691 triệu đồng, mới đạt 0,6% về số người và 3,5% về số tiền. Tính đến ngày 31-8-2019, số người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân là 1.770 người với số tiền 45.031 triệu đồng, chiếm 5,3% trong tổng số chi lương hưu và trợ cấp BHXH.

Nhân viên Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh hướng dẫn người dân làm thủ tục chi trả thanh toán không dùng tiền mặt (ảnh minh họa) - K.B

Trong thời gian qua, BHXH tỉnh đã phối hợp bưu điện, các ngân hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán công hướng dẫn, tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi nhằm khuyến khích người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp... nhận tiền qua tài khoản cá nhân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chi trả qua tài khoản cá nhân còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Một phần nguyên nhân do tâm lý, thói quen sử dụng tiền mặt của đa số người dân còn rất phổ biến nên muốn nhận chế độ trực tiếp bằng tiền mặt để đáp ứng nhu cầu chi tiêu hằng ngày. Mặt khác, những người được hưởng chế độ an sinh xã hội đa phần lớn tuổi, bệnh tật, neo đơn... rất khó khăn khi tiếp cận hệ thống công nghệ hiện đại, không muốn rút tiền tại các máy ATM, sợ những trục trặc về kỹ thuật khi rút tiền. Công tác quản lý người hưởng qua tài khoản cá nhân cũng gặp rất nhiều khó khăn do không nắm được hết các thông tin của người hưởng trên địa bàn. Số lượng máy ATM của các ngân hàng chưa đáp ứng nhu cầu người lao động, chưa phân bố đồng đều trên địa bàn, chủ yếu các máy ATM đặt tại trung tâm thành phố và trung tâm các huyện, thị...

Việc chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đem lại rất nhiều tiện ích cho người hưởng như tiết kiệm thời gian, công sức, tránh được rủi ro tiền giả và đặc biệt là đảm bảo an toàn cá nhân. Chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt còn giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân lực trong quản lý ngân quỹ, giúp việc chi trả an toàn, hiệu quả. Đối với các ngân hàng cung ứng dịch vụ chi trả qua tài khoản sẽ mở rộng việc tiếp cận và gia tăng thị phần khách hàng; phát hành thẻ, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thanh toán thẻ; phát triển mở rộng sản phẩm dịch vụ; tạo thêm cơ hội sử dụng vốn đầu tư phát triển kinh tế, xã hội. Hình thức chi trả này đã và đang thay đổi dần nhận thức và thói quen tâm lý sử dụng tiền mặt trong nhân dân theo hướng tiếp cận và sử dụng tài khoản ngân hàng để giao dịch thanh toán. Trên cơ sở đó giúp gia tăng tính minh bạch trong hoạt động kinh tế, xã hội, đồng thời hỗ trợ tăng cường ổn định trật tự an ninh xã hội, tiết kiệm một phần chi phí đầu tư xã hội trong giao dịch, vận chuyển và quản lý tiền mặt...

Trong thời gian tới, tỉnh Bình Phước sẽ tiếp tục phấn đấu đến năm 2020 đạt các mục tiêu chủ yếu theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23-2-2018 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đến năm 2020 đạt 20% và năm 2021 đạt 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, mai táng phí, tử tuất... sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ về tiếp nhận thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Để đẩy mạnh việc chi trả các dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt phục vụ người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tốt hơn, ngày 12-8-2019, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2311/UBND-KGVX về việc thực hiện đẩy mạnh chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo đơn vị trực thuộc, cơ quan, doanh nghiệp, UBND xã, phường, thị trấn đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện trả lương, thu nhập qua tài khoản cá nhân; tuyên truyền, vận động, khuyến khích, phổ biến kiến thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người thụ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp ở địa phương nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; phối hợp BHXH tỉnh thanh toán các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, BHXH một lần cho người lao động qua tài khoản cá nhân của người lao động.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Giới thiệu việc làm tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người mới nhận các khoản trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân đảm bảo đối với người hưởng vùng đô thị nhận trợ cấp thất nghiệp đến năm 2020 qua tài khoản cá nhân đạt tỷ lệ phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ. Đồng thời, phối hợp BHXH tỉnh và các ngành liên quan theo dõi, đôn đốc, thanh - kiểm tra việc thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân.

Đối với Bưu điện tỉnh cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về số lượng, mạng lưới máy rút tiền tự động ATM trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố, cơ chế ưu đãi của các ngân hàng để người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH có lựa chọn hình thức nhận cho phù hợp. Phối hợp, tạo điều kiện để các ngân hàng tiếp cận điểm chi trả, vận động, khai thác người nhận chi trả các chế độ BHXH qua tài khoản cá nhân, hướng dẫn đăng ký mở tài khoản và nhận thẻ ATM ngay tại thời điểm chi trả; tuyên truyền, vận động người hưởng lợi ích việc nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân.

BHXH tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện, chỉ tiêu hằng năm và các giải pháp vận động, khuyến khích, phát triển người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để hoàn thành chỉ tiêu; phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm, Bưu điện tỉnh, các ngân hàng tuyên truyền, vận động, khuyến khích người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân phù hợp với điều kiện và nhu cầu người thụ hưởng; ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử và sử dụng chữ ký số trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan BHXH với ngân hàng và bưu điện.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Phước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xây dựng mạng lưới cây rút tiền ATM ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng cao, các khu công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với dịch vụ thẻ ngân hàng.

T.A

  • Từ khóa
62876

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu