Thứ 7, 20/04/2024 19:03:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:58, 21/10/2016 GMT+7

Để “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đến với doanh nghiệp

Hoàng Ngọc
Thứ 6, 21/10/2016 | 07:58:00 91 lượt xem
BP - Tại lễ phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập - phát triển” và trao cúp Thánh Gióng cho các doanh nhân tiêu biểu tổ chức ngày 11-10 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong cả nước thực hiện “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với doanh nghiệp.

“3 đồng hành” mà Thủ tướng nhắc đến là: Đồng hành đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng hành trong hoàn thiện thể chế, pháp luật trên các lĩnh vực... bảo đảm công khai, minh bạch, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Đồng hành và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp, nhất là trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế vùng và địa phương.

Và “5 hỗ trợ” là: Hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động. Hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh bình đẳng, tiếp cận nguồn lực và cơ hội. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Việt Nam hiện có gần 600 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động. Tại Bình Phước, tính đến cuối năm 2015, có 4.614 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký 33.808 tỷ đồng. 9 tháng qua, toàn tỉnh có 527 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng vốn đăng ký 2.806 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2011-2015, các doanh nghiệp đã đóng góp cho ngân sách tỉnh khoảng 10.488 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ với một tỉnh có xuất phát điểm thấp, đầy khó khăn như Bình Phước.

Qua đánh giá của Chính phủ, các doanh nghiệp ở nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Còn tại Bình Phước, theo báo cáo của UBND tỉnh, qua khảo sát thực tế 500 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn năm 2015 cho thấy: 45,6% doanh nghiệp nhận định rằng năng lực cạnh tranh là nguyên nhân khó khăn lớn nhất gặp phải; 27,4% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tín dụng; 10,8% doanh nghiệp khó khăn về thủ tục hành chính; 10,4% doanh nghiệp gặp khó khăn về giá thuê đất, mặt bằng... Điều đó cho thấy, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh đang ở mức yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; phụ thuộc nhiều vào sự biến động của thị trường, nhất là những doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh các mặt hàng nông sản. Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính ở các cấp, ngành chưa cải thiện đáng kể. Phát biểu tại hội nghị mới đây của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cho rằng, cải cách hành chính tuy đã triển khai bằng nhiều giải pháp nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tế, đặc biệt ở cấp các phòng, ban thực thi chính sách, các bộ phận giao dịch trực tiếp với nhân dân, doanh nghiệp. Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân luôn tìm tòi những sáng tạo mới, cách làm mới sao cho hiệu quả hơn, trong khi đó, hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền thay đổi còn chậm so với yêu cầu.

Để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận cơ hội, phát huy tối đa nội lực, thế mạnh trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” là đặc biệt cần thiết. Trong đó, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư là mục tiêu quan trọng. Đồng thời, công tác điều hành, lãnh đạo của thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thật sự nhanh nhạy, thông thoáng là “chìa khóa” giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu