Thứ 5, 28/03/2024 21:52:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 13:05, 04/07/2014 GMT+7

Để cây cà phê không rụng trái non trong mùa mưa: Chủ động bón phân, phòng trừ sâu bệnh

Thứ 6, 04/07/2014 | 13:05:00 5,627 lượt xem
BP - Mùa mưa là thời điểm trái cà phê phát triển nhanh và rất dễ rụng trái non. Việc rụng trái có thể kéo dài từ lúc trái mới hình thành đến khi thu hoạch. Nếu không có biện pháp khắc phục sẽ gây thất thu và giảm sản lượng.

Rụng trái non trong mùa mưa

Bước vào mùa mưa, trái cà phê phát triển rất nhanh, do đó nhu cầu về chất bổ sung cho cây cần nhiều hơn. Chất dinh dưỡng được lấy chủ yếu từ rễ và lá quang hợp. Trong khi, cây cà phê mới ra lá non, không những không quang hợp được nhiều mà còn lấy dinh dưỡng từ cây. Các lá già còn lại bị nhiễm bệnh, dẫn đến quang hợp kém. Vì vậy, chất dinh dưỡng không đủ để trái cà phê phát triển, cũng như ra cành dự trữ cho vụ tiếp theo. Do đó, trong giai đoạn trái non, hiện tượng rụng trái cùng với nấm bệnh xuất hiện như nấm hồng, rỉ sắt, lở bộ rễ khiến nông dân lo lắng.

Cần chủ động chăm sóc cây cà phê giai đoạn ra trái non trong mùa mưa

Kỹ sư Nguyễn Văn Đạo (Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh) cho biết: Quá trình phát triển của cây cà phê chia làm nhiều giai đoạn, trong đó giai đoạn phát triển trái non quan trọng nhất. Giai đoạn này, trái cà phê cần chất dinh dưỡng cao nên có chế độ chăm sóc đặc biệt để quyết định năng suất cũng như chất lượng hạt.

Chủ động bón phân, phòng trừ bệnh

Ông Nguyễn Văn Bảy, ngụ xã Tân Hưng (Đồng Phú) chia sẻ: “Mùa mưa, cây cà phê cần nhiều dinh dưỡng nên cần bón đầy đủ các yếu tố đa lượng và trung, vi lượng như: Đạm, lân, kali, canxi, lưu huỳnh, đồng, kẽm... Để cân đối chất dinh dưỡng, trung bình mỗi ha một năm bón lượng đạm nguyên chất từ 200-250kg (450-550kg urê); 100-150kg lân P2O5; 200-250kg kali K2O (450-500kg kali clorua)... Bên cạnh, bổ sung phân hữu cơ như phân chuồng, vi sinh, phân xanh 1-2 năm/lần nhằm cung cấp thêm hàm lượng mùn cho đất, lượng bón từ 5-10 tấn/ha”. Nhờ chăm sóc tốt nên 2 ha cà phê của gia đình ông Nguyễn Văn Bảy luôn đạt năng suất cao.

Anh Nguyễn Văn Tính, ngụ xã Tân Phước (Đồng Phú) có kinh nghiệm hơn 10 năm trồng cà phê cho biết thêm: Ngoài bón phân cho cà phê trong mùa mưa, cần chú ý phòng trị bệnh. Đầu mùa mưa, trên cây cà phê thường xuất hiện một số sâu bệnh như rỉ sắt, nấm hồng, đóm mắt cua, rệp sáp hại trái, mọt đục cành... Do đó định kỳ phun thuốc phòng các loại bệnh này 2-3 lần trong mùa mưa bằng các loại thuốc: Anvil, Tilt super, Antracol, Alliete, Norshield... Cây cà phê bị bệnh tuyến trùng cần xử lý bằng thuốc đặc trị như: Tervigo, Vifu-super, Nokapt..., đồng thời tưới vào gốc các loại thuốc trị bệnh nấm hại rễ có hoạt chất Carbendazim. Dùng phân bón vi sinh có bổ sung nấm Trichoderma bón vào đất để diệt trừ các loại nấm gây hại khác. Hun các thuốc trị rệp sáp, mọt đục trái nếu thấy bệnh xuất hiện trên cây, chùm trái.

Theo kỹ sư Đạo, để giảm bớt hiện tượng rụng trái cà phê vào mùa mưa, ngoài bổ sung dinh dưỡng hợp lý, nông dân cần giữ được bộ lá sạch bệnh bằng thuốc bảo vệ thực vật. Nên phun phòng bệnh hoặc khi bệnh mới chớm xuất hiện bằng thuốc trừ bệnh, tránh để cây bị bệnh nặng. Cần lưu ý liều lượng thuốc sử dụng hợp lý để bảo vệ trái non đầu vụ. Đồng thời tỉa cành, tạo bộ khung tán cân đối, bỏ chồi vượt thường xuyên, loại những cành khô, cành mọc ngược để cây thông thoáng và nuôi dưỡng những cành đang có trái, cành dự trữ.

                              Tân Xuân

  • Từ khóa
37530

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu