Thứ 6, 29/03/2024 06:46:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:18, 07/09/2016 GMT+7

Để có niềm tự hào khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng

Thứ 4, 07/09/2016 | 08:18:00 1,659 lượt xem

BP - Thời phổ thông, T là người năng nổ, đam mê hoạt động xã hội và sẵn sàng cống hiến. Thời ấy còn nhiều khó khăn, hoạt động đoàn cấp cơ sở chỉ dựa vào tinh thần của đoàn viên là chính chứ không được hỗ trợ kinh phí như hiện nay. T có nhiều tài lẻ, hát hay nên rất hữu dụng trong vai trò bí thư chi đoàn lớp. Và với những đóng góp tích cực của mình, T được giới thiệu tham gia ban chấp hành đoàn trường, được cùng một số thầy cô trẻ đi học lớp cảm tình Đảng ngay từ khi ngồi trên ghế trường phổ thông. Bởi thế, chúng tôi rất ngưỡng mộ T và luôn nghĩ con đường xây dựng tương lai của T sẽ rất hanh thông. Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, T được giữ lại làm giảng viên và vẫn tham gia tích cực công tác đoàn ở trường đại học nên niềm tin của chúng tôi càng có cơ sở. Thế nhưng không hiểu vì sao hơn 40 tuổi mà T vẫn chưa phải là đảng viên.

Cách đây mấy năm, trên đường đi công tác ở Tây Nguyên bằng đường bộ, T có dịp dừng tại thị xã Đồng Xoài để thăm tôi. Mấy người bạn học cùng trường nghe tin thì gọi nhau để tụ nhóm. Lúc ấy, tất cả chúng tôi đều đã có vị trí, người là trưởng phòng, ban cấp huyện, thị; người đã là phó giám đốc sở, ngành. Trông T có vẻ phong trần chứ không mang cái vẻ chỉn chu, mô phạm của một ông giáo đại học nên tôi đùa, trông ông “giang hồ” quá nhỉ!? T đáp ngay, tớ là quần chúng, ăn mặc sao cho thoải mái, đâu có như đảng viên các cậu mà phải giữ tư cách cho mệt! Và trong suốt cuộc chuyện trò hôm đó, cụm từ “đảng viên các cậu” được T dùng nhiều lần. Tôi hơi khó chịu, nhưng vì bạn bè lâu ngày gặp lại nên không muốn vì chuyện đó mà mất vui.

Sau cuộc tụ họp, thông qua những người bạn cũ, tôi mới biết do T có tính tự mãn về năng lực của mình và hay góp ý cho mọi người một cách sỗ sàng nên không được lòng cấp trên và tập thể. Trong 8 năm, T được giới thiệu đi học đối tượng Đảng 2 lần, cộng với 1 lần hồi học phổ thông là 3. Thế nhưng lần nào lấy ý kiến quần chúng, T cũng không đủ số phiếu. T vững chuyên môn nhưng vì không phải là đảng viên nên không thể đưa vào quy hoạch để cất nhắc, đề bạt vào các vị trí quản lý. Sau này, có một đôi lần cấp ủy gợi ý để T tiếp tục phấn đấu vào Đảng nhưng T từ chối thẳng thừng. Do có chuyên môn giỏi nên T được mời tham gia nhiều dự án xây dựng lớn với vai trò thiết kế. Có lần T nói với tôi, kể ra không phải đảng viên cũng có cái hay, tha hồ “đánh bắt xa bờ” mà không sợ bị cấp ủy nhắc nhở giữ tư cách!

Trường hợp như T không phải là cá biệt. Khi người ta còn trẻ, mục đích cao nhất là trở thành một học sinh, sinh viên giỏi, gương mẫu và luôn mong ước một ngày nào đó mình sẽ vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng để cống hiến sức mình cho Đảng. Thế nhưng khi đã lớn tuổi, khi đã khẳng định chỗ đứng của mình bằng chuyên môn thì suy nghĩ của người ta sẽ thay đổi. Nhiều người sẽ nghĩ rằng Đảng cần những người giỏi chuyên môn; giỏi như mình mà không được kết nạp Đảng thì còn ai xứng đáng!? Những suy nghĩ đề cao bản thân như thế sẽ khiến người ta tự mãn, luôn thấy mình là quan trọng, nếu tổ chức không quan tâm đề bạt, cất nhắc mình là do lỗi của tổ chức chứ mình không có lỗi! Với T, chính tư tưởng công thần, nghĩ rằng mình đã cống hiến nhiều nên phải được tổ chức Đảng quan tâm, cất nhắc đã hại anh. Chính thái độ bất mãn của anh khi chưa được kết nạp Đảng đã khiến những người có trách nhiệm thấy rõ động cơ phấn đấu vào Đảng của anh là không vô tư, trong sáng. Suy cho cùng thái độ bất mãn của T là biểu hiện của suy thoái về tư tưởng. Và đây là ngọn nguồn của suy thoái về đạo đức. Trong thực tế cuộc sống cho thấy, những người như T rất dễ dàng bị sa ngã bởi những viên đạn bọc đường của các thế lực thù địch. Đồng thời, đây cũng là những đối tượng mà bọn phản động nhắm tới để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. Vì vậy, các cơ sở đảng cần quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống và đặc biệt là trang bị cho họ bản lĩnh chính trị.

Không thể phủ nhận một hiện thực là hiện nay ở nhiều cương vị lãnh đạo, một trong những tiêu chuẩn cần thiết phải là đảng viên. Do vậy một số không nhỏ phấn đấu vào Đảng vì động cơ được đề bạt vào các chức vụ lãnh đạo. Ở một số cơ sở đảng, việc xem xét, kết nạp quần chúng vào Đảng giống như một sự “ban ơn” hoặc chỉ quan tâm bồi dưỡng kết nạp những người cùng cánh. Mặt khác có những người đã đứng trong hàng ngũ của Đảng nhưng không giữ được phẩm chất đảng viên, thoái hóa biến chất, lợi dụng chức quyền tham nhũng và có biểu hiện xa dân. Hiện thực này đã làm ảnh hưởng tới tư tưởng và niềm tin của những người đang phấn  đấu, nhất là những người trẻ vào Đảng. Vì thế, các cấp ủy đảng cần kiên quyết loại trừ những đảng viên thoái hóa biến chất và cả những người không có ý chí chiến đấu, thiếu năng lực ra khỏi Đảng.

Một tổ chức đảng vững mạnh không phải có đông đảng viên mà phải là đông đảng viên có chất lượng, có ý chí chiến đấu. Vì vậy, cùng với việc phấn đấu kết nạp Đảng theo chỉ tiêu được giao còn phải bảo đảm chất lượng đảng viên. Cũng không nên vì những yếu tố về tính cách con người mà bỏ qua những quần chúng tốt, trung thực, có tinh thần phê bình và tự phê bình cao, bởi tính cách con người có thể sửa được. Cũng cần tránh việc đưa ra tiêu chuẩn quá cao trong khi chính đảng viên trong chi bộ chưa gương mẫu... Làm tốt những điều đó sẽ có tác động mạnh mẽ và sâu sắc đối với nhận thức cũng như hành động của những người đang phấn đấu vào Đảng, nhất là những người trẻ.

Đảng trong sạch và vững mạnh sẽ tạo được niềm tin và động cơ phấn đấu đúng đắn cho quần chúng. Và chỉ có như vậy người ta mới có niềm tự hào khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Linh Tâm

  • Từ khóa
2501

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu