Thứ 5, 25/04/2024 08:02:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:52, 24/04/2018 GMT+7

Để có thể “đánh bại” sốt rét

Thứ 3, 24/04/2018 | 08:52:00 83 lượt xem

BP - Ngày thế giới phòng chống sốt rét (25-4) năm nay, người dân Bình Phước đứng trước nỗi lo sốt rét có dấu hiệu bùng phát trở lại. Bằng những nỗ lực của ngành y tế tỉnh, sự hỗ trợ của Trung ương, sự thức tỉnh của chính quyền và cả người dân về căn bệnh nguy hiểm, từ một địa bàn trọng điểm về sốt rét, những năm gần đây, sốt rét trên địa bàn tỉnh đã được khống chế và giảm dần. 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có 573 ca mắc sốt rét, giảm 23,9% so cùng kỳ 2016, không có trường hợp nào chết vì sốt rét. Vậy mà chỉ trong quý 1 năm nay, toàn tỉnh đã có tới 740 ca sốt rét, tăng 71,3% so cùng kỳ năm trước - một con số “báo động đỏ” về phòng, chống sốt rét.

Tại hội nghị giao ban công tác quý 1 của ngành y tế tỉnh, diễn ra ngày 19-4 vừa qua, ông Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã lý giải việc tăng cao số bệnh nhân sốt rét trong quý 1 là do số người từ nơi khác di cư đến các xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập (địa bàn có nhiều người mắc sốt rét) tăng đột biến. Tuy nhiên, lý giải này dường như chưa đủ sức thuyết phục, bởi năm nào người dân các tỉnh cũng “tràn” về Bình Phước trong mùa thu hoạch điều (chứ không riêng 2 xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập). Vậy tại sao số ca sốt rét tăng tới 71,3% so cùng kỳ năm trước!?

Bệnh sốt rét đã và đang trở thành mối quan tâm của toàn cầu, là hiểm họa của nhân loại. Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm thế giới có khoảng 3,2 tỷ người có nguy cơ mắc sốt rét, trong đó khoảng 1,2 tỷ người nguy cơ cao. Việt Nam có khoảng 11,7 triệu người, chiếm khoảng 13% số dân đang sống trong các khu vực có bệnh sốt rét. Là địa bàn vùng sâu, điều kiện sống của người dân còn nhiều khó khăn, lại tiếp giáp với những vùng nguy cơ cao như Tây Nguyên, Campuchia, nhiều năm trước Bình Phước là vùng trọng điểm về sốt rét. Năm 2013, 3 xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập (Bù Gia Mập) và Đắk Nhau (Bù Đăng) là vùng trọng điểm bệnh sốt rét ở khu vực phía Nam. Đây là các xã nghèo, cơ sở hạ tầng, nhân lực, trang thiết bị y tế, phương tiện phòng chống và điều trị sốt rét còn thiếu thốn dẫn tới việc phát hiện các ca bệnh còn thụ động, nhiều đối tượng nhiễm ký sinh trùng không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, tình trạng người dân mắc sốt rét nhưng không đến điều trị tại cơ sở y tế mà tự mua thuốc uống không đúng liều lượng đã gây nên tình trạng kháng thuốc.

Thông tin từ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, ký sinh trùng sốt rét P.falciparum kháng thuốc Artemisinin đã xuất hiện ở 5 tỉnh là Quảng Nam, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước và đang có nguy cơ lan rộng trên phạm vi toàn quốc. Mùa mưa đã bắt đầu, thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho những ổ muỗi phát triển, làm lây truyền các bệnh truyền nhiễm, trong đó có sốt rét. Nguy cơ bệnh sốt rét quay trở lại và gây dịch là hiện hữu, nhất là trong bối cảnh những biến đổi bất thường của khí hậu toàn cầu, côn trùng gây bệnh xuất hiện nhiều loài và xuất hiện các loại muỗi, côn trùng kháng hóa chất.

Chủ đề Ngày thế giới phòng chống sốt rét năm nay là “Sẵn sàng đánh bại sốt rét”. Tuy nhiên, để có thể “đánh bại” sốt rét trong hoàn cảnh số ca mắc tăng đột biến hiện nay thì không chỉ ngành y tế mà các cấp chính quyền, hội đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng thông qua các hoạt động tập huấn, giáo dục truyền thông. Bên cạnh đó, ngành y tế cần bảo đảm đầy đủ thuốc, hóa chất dự phòng để phục vụ tốt công tác chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu