Thứ 6, 29/03/2024 13:54:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Du lịch 08:34, 11/12/2018 GMT+7

Để du lịch biển phát triển mạnh hơn

Thứ 3, 11/12/2018 | 08:34:00 388 lượt xem
BP - Định hướng phát triển các ngành kinh tế biển đã được Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW) chỉ rõ: “Đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Công nghiệp ven biển; (6) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới”. Du lịch và dịch vụ biển được nghị quyết của Đảng đưa vào vị trí ưu tiên số 1 cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của lĩnh vực này.

giàu TIỀM NĂNG

Các chuyên gia nhận định, việc chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch biển, đảo là một định hướng đúng đắn, phù hợp với thế mạnh về biển, đồng thời khẳng định chủ quyền lãnh thổ đất nước. Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về biển, hải đảo khi có hơn 1 triệu kilômét vuông diện tích mặt biển; bờ biển dài hơn 3.260km; hàng ngàn hòn đảo lớn, nhỏ cùng những bãi tắm cát trắng, nước xanh và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia có biển trên thế giới và là nước có diện tích ven biển lớn ở khu vực Đông Nam Á. Cả nước có 125 bãi biển mà hầu hết là các bãi tắm đẹp, trong đó bãi biển Đà Nẵng đã được Tạp chí Forbes bầu chọn là một trong 6 bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh. Việt Nam cũng là 1 trong 12 quốc gia có các vịnh đẹp nhất thế giới, đó là vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Nha Trang (Khánh Hòa). Bên cạnh đó, lãnh thổ vùng đất ven biển, vùng biển và hệ thống các đảo, nơi diễn ra du lịch biển đảo và vùng ven biển Việt Nam tập trung tới 7/13 di sản thế giới; 6/8 khu dự trữ sinh quyển; nhiều vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên...

Nhà ga cảng Sa Kỳ - nơi du khách lên tàu du lịch đi đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)Nhà ga cảng Sa Kỳ - nơi du khách lên tàu du lịch đi đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Từ những thế mạnh, tiềm năng của biển và bờ biển, thời gian qua nhiều khu du lịch đã được quy hoạch, đầu tư phát triển. Hiện cả nước đã hình thành 3 trung tâm du lịch biển có sức hút với khách quốc tế, gồm vịnh Hạ Long, Đà Nẵng và Nha Trang với những cơ sở lưu trú hiện đại. Nhiều khu du lịch bãi biển đã được mở ra, thu hút đông du khách trong và ngoài nước. Đó là các bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa); Non Nước, Mỹ Khê (Đà Nẵng); vịnh Nha Trang, vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa); bãi biển Mũi Né (Bình Thuận); bãi biển Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu)... Hoạt động du lịch biển, đảo hiện chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch đất nước. Các sản vật địa phương liên quan đến biển cũng phát triển thành thương hiệu, góp phần đáng kể vào sản phẩm gắn với các tour du lịch.

ĐỂ DU LỊCH BIỂN PHÁT TRIỂN

Việc phát triển mạnh mẽ của du lịch biển, đảo trong những năm qua đã mang lại hiệu quả kinh tế, giúp giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống người dân vùng ven biển. Điều đó khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của du lịch biển trong tổng thể các ngành kinh tế của đất nước. Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của biển, đảo Việt Nam. Thực tế cho thấy, du lịch biển, đảo ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Dịch vụ du lịch còn thiếu, nghèo nàn; sản phẩm du lịch biển chưa đa dạng; an ninh trật tự và việc quản lý giá tại một số khu, điểm du lịch chưa đảm bảo; quy hoạch của nhiều bãi biển đẹp đã bị phá vỡ, phát triển manh mún. Nhu cầu khách đi biển vào dịp cuối tuần, lễ, tết thường tăng rất cao nhưng các trung tâm du lịch biển đều quá tải. Nhược điểm lớn nhất là dịch vụ ở các nơi này vừa thiếu lại yếu kém và chưa bổ trợ cho khách vui chơi, mua sắm. Một số vùng biển có tiềm năng lớn nhưng rất khó đưa khách đến với số lượng đông do thiếu hạ tầng, dịch vụ hoặc đường bay chưa thuận lợi. Các khu nghỉ dưỡng ven biển ở Việt Nam có giá cao, chủ yếu nhắm vào đối tượng khách quốc tế và một phần du khách giàu có trong nước, vì vậy đã đẩy du khách có thu nhập trung bình đi du lịch nước ngoài.

Để du lịch biển, đảo phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng và tạo được thương hiệu riêng thì ngoài việc phải khắc phục những hạn chế, tồn tại nhiều năm qua, phải có sự đầu tư và quản lý một cách chiến lược cả về cơ sở vật chất, dịch vụ và con người. Đặc biệt, cần phát huy yếu tố văn hóa của từng địa phương trong phát triển du lịch biển, tạo dấu ấn riêng và thu hút khách du lịch quay trở lại nhiều lần. Ngày 15-8-2013, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có Quyết định số 2782/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020”. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 du lịch biển sẽ trở thành động lực của kinh tế biển Việt Nam, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển và bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển. Đề án cũng đề ra mục tiêu vào năm 2020, du lịch biển thu hút 22 triệu lượt khách quốc tế, 58 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch biển đạt 200.000 tỷ đồng. Nghị quyết số 36-NQ/TW của Đảng là “chìa khóa” mở ra một trang mới để ngành du lịch tiếp tục thực hiện đề án hiệu quả hơn. (*)  

Đức Hồng
  (*) Bài viết tham khảo Tạp chí Du lịch

  • Từ khóa
111359

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu