Thứ 5, 25/04/2024 15:20:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:25, 19/12/2018 GMT+7

Để giảm tai nạn lao động

Thứ 4, 19/12/2018 | 08:25:00 103 lượt xem

BP - Bình quân mỗi năm cả nước có gần 9.000 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm chết và bị thương hàng ngàn người. Trong năm 2018 liên tiếp xảy ra các vụ sập giàn giáo, sập sàn bê tông, đứt cáp, rơi thiết bị... gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của công nhân, người lao động. Số liệu thống kê tại buổi đối thoại thường niên năm 2018 của Hội đồng quốc gia về An toàn vệ sinh lao động cho thấy, TNLĐ ở nước ta năm sau luôn cao hơn năm trước. Vấn đề này đang gây lo ngại cho các ngành chức năng và người lao động, nhất là những người làm việc trực tiếp trên các công trình.

Nguyên nhân dẫn đến TNLĐ trước hết do ý thức chấp hành pháp luật về an toàn lao động của doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động và bản thân người lao động chưa tốt. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lao động còn lơ là, thiếu kiểm tra giám sát, không quan tâm tới công tác an toàn và bảo hộ, dẫn đến mất an toàn lao động. Thực tế, người sử dụng lao động, nhất là doanh nghiệp tư nhân, vì mục đích lợi nhuận mà các chi phí bảo hộ lao động bị coi nhẹ và giảm tới mức tối đa nên rất dễ xảy ra rủi ro. Mặc dù đã được cảnh báo về những nguy cơ gây tai nạn nhưng người sử dụng lao động vẫn chủ quan, không thực hiện những giải pháp về bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó là nhận thức của chính người lao động về tầm quan trọng của việc an toàn cho bản thân chưa cao. Cùng với đó là do các thiết bị không bảo đảm an toàn, hoặc do điều kiện làm việc không tốt.

TNLĐ là điều không thể lường trước và khó tránh những thiệt hại cả về vật chất và con người. Thế nhưng nếu việc đề phòng và công tác bảo hộ tốt sẽ giảm thiểu đáng kể. Bảo đảm điều kiện và môi trường lao động lành mạnh là yêu cầu quan trọng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần giữ gìn an toàn lao động, giảm và ngăn ngừa TNLĐ. Các đơn vị sản xuất - kinh doanh cần thường xuyên rà soát, bổ sung nội quy, quy trình vận hành máy móc, thiết bị; hướng dẫn, huấn luyện kỹ năng bảo đảm an toàn và định kỳ khám sức khỏe cho người lao động. Công đoàn các cấp chủ động phối hợp với chính quyền tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về thực hiện pháp luật an toàn lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp có nhiều nguy cơ về tai nạn. Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm chăm lo sức khỏe người lao động. Các doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có nguy cơ cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cần tăng cường đầu tư máy móc, thiết bị; đổi mới công nghệ để cải thiện điều kiện lao động, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; thực hiện tốt các chế độ, chính sách bảo đảm an toàn cho người lao động.

Bình Phước hiện có 13 khu công nghiệp, thu hút gần 40 ngàn lao động làm việc trong nhiều ngành nghề sản xuất khác nhau. Trong năm 2018, Liên đoàn Lao động tỉnh đã yêu cầu các đơn vị chú trọng tuyên truyền về an toàn lao động đến cả doanh nghiệp và người lao động. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát những yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc, cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo sức khỏe, bảo đảm tính mạng cho người lao động. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh triển khai các chương trình cụ thể, phòng ngừa TNLĐ, đảm bảo sự phát triển trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Mặc dù đã thực hiện toàn diện các giải pháp nhưng năm 2018 trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra 17 vụ TNLĐ, tăng 1 vụ so với năm 2017. Do vậy công tác an toàn, vệ sinh lao động phải được đặt lên hàng đầu, trước hết là gắn trách nhiệm của  chính các chủ sử dụng lao động và ngành chức năng.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu