Thứ 5, 28/03/2024 19:34:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:20, 29/03/2017 GMT+7

Để hàng Việt đứng vững ở thị trường trong nước

Thứ 4, 29/03/2017 | 09:20:00 107 lượt xem
BP - Trong tháng 3-2017, tại các huyện Bù Đăng, Lộc Ninh và thị xã Phước Long diễn ra những phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn do Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ kinh doanh thuộc Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước tổ chức. Đây là chương trình thường niên trong kế hoạch thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2017 của tỉnh.

Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” ở Bình Phước nói riêng và các địa phương khác nói chung đã mang lại những hiệu quả tích cực và đưa nhiều loại sản phẩm thiết yếu của các doanh nghiệp sản xuất trong nước đến gần hơn với người tiêu dùng nông thôn. Những phiên chợ hàng Việt đã góp phần đáp ứng nhu cầu mua sắm tại chỗ, bình ổn thị trường và góp phần làm thay đổi thói quen mua sắm của người dân thôn quê. Đồng thời, việc làm này đã trở thành cầu nối quan trọng thúc đẩy sự hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà phân phối với người tiêu dùng, qua đó góp phần tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tìm hiểu thị hiếu và nhu cầu của khách hàng, từ đó đưa ra những chiến lược mới nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.

Một trong những điều đáng ghi nhận là hàng hóa đưa về nông thôn ngày càng khẳng định thương hiệu và tôn vinh hàng Việt. Các doanh nghiệp đã bước đầu phát triển mạng lưới phân phối; tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi kích thích sức mua; tổ chức tư vấn tiêu dùng, gắn hoạt động sản xuất - kinh doanh với hoạt động xã hội như ủng hộ các loại quỹ địa phương, tặng quà hộ nghèo, học sinh nghèo hiếu học... Những việc làm này đã góp phần quảng bá, xây dựng thị trường cho hàng hóa vùng nông thôn, đưa hàng Việt lên một vị thế mới, dần chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, những phiên chợ hay các chuyến hàng Việt về nông thôn vẫn chưa được như mong muốn của người dân. Nhiều doanh nghiệp từng tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn phản ánh, không ít phiên chợ tổ chức còn rời rạc, thiếu chuyên nghiệp. Thậm chí, có một vài doanh nghiệp chưa coi trọng khách hàng khi bán hàng lỗi mốt, hàng tồn kho, hàng kém chất lượng. Mặt khác, các chuyến hàng khi về đến các huyện, xã đều diễn ra trong một thời gian rất ngắn và không cố định; hàng hóa, mẫu mã sản phẩm chưa phong phú, chất lượng chưa ổn định nên chưa thu hút được nhiều người mua. Tại một số phiên chợ vẫn còn đại lý bày bán sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, thậm chí còn có cả hàng giả, hàng nhái. Bản thân doanh nghiệp khi tham gia chương trình gặp khó khăn, vì kinh phí thực hiện đều do doanh nghiệp tự trang trải. Trong khi đó, sức mua của người dân nông thôn hạn chế nên các chuyến hàng về nông thôn hầu như không có lãi.

Để người tiêu dùng thật sự tin dùng hàng Việt và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, nhất là khu vực nông thôn, miền núi đòi hỏi một chiến lược lâu dài, đồng bộ và hiệu quả. Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất cần cải tiến mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm; thiết lập kênh phân phối, bán lẻ để cung ứng tới tận tay người dân, tăng cường quảng bá thương hiệu, từng bước xây dựng lòng tin và chiếm lĩnh thị trường một cách bền vững. Điều này cần những giải pháp đồng bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và doanh nghiệp để hàng Việt đứng vững, ngày càng lan tỏa, chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu