Thứ 6, 29/03/2024 01:12:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:06, 26/08/2014 GMT+7

Để khen thưởng thực sự là đòn bẩy

Thứ 3, 26/08/2014 | 08:06:00 173 lượt xem
BP - Ngày 1-7-2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua - khen thưởng năm 2013. Nghị định gồm 30 chương, có hiệu lực thi hành từ ngày 20-8-2014.

Thời gian qua, công tác thi đua, khen thưởng từ trung ương đến cơ sở đã có sự đổi mới đồng bộ, tạo động lực và khuyến khích các tập thể, cá nhân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện ở nhiều địa phương, đơn vị đã nảy sinh không ít vấn đề gây bức xúc dư luận. Đó là tình trạng khen thưởng tràn lan, thành tích đạt được không thật sự nổi bật hoặc chỉ trong một phạm vi hẹp nhưng được đề nghị khen thưởng cấp cao. Đối tượng khen thưởng chủ yếu là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; còn mang nặng tư tưởng “cao - thấp”, cứ đến hẹn lại... khen.

Công tác bình xét, đề nghị khen thưởng vẫn “khép kín”, chưa thật sự phát huy dân chủ. Đáng nói là một số người còn sẵn sàng dùng quyền lực hoặc bỏ tiền ra để “chạy” danh hiệu, huân chương, bằng khen... nhằm “đánh bóng” tên tuổi. Chắc hẳn nhiều người đã biết câu chuyện bí thư tỉnh ủy một tỉnh miền Trung khi đương chức đã khai man thành tích để được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhưng “vải thưa không che được mắt thánh”, vị này bị nhân dân và những đồng đội cũ tố cáo. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc xác minh và kết luận đơn tố cáo là chính xác. Ban Bí thư đồng ý đề nghị Nhà nước hủy bỏ quyết định, thu hồi hiện vật và tiền thưởng theo đúng quy định.

Nghị định số 65 ghi rõ: Thành tích đạt được trong điều kiện khó khăn và có phạm vi ảnh hưởng lớn được khen thưởng mức cao hơn. Chú trọng khen thưởng cá nhân là người trực tiếp lao động, công tác, chiến đấu (công nhân, nông dân, chiến sĩ) và cá nhân có nhiều sáng tạo trong lao động, công tác. Khi xét khen thưởng người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải căn cứ vào thành tích của tập thể do cá nhân đó lãnh đạo. Thời gian qua đã có không ít trường hợp người đứng đầu vẫn được đứng lên bục nhận huân chương, bằng khen, danh hiệu chiến sĩ thi đua... trong khi cơ quan, đơn vị do mình lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ được giao, nội bộ mất đoàn kết, làm ăn thua lỗ, thậm chí có đơn vị phải phá sản, giải thể...

Nghị định cũng nêu rõ điều kiện và tiêu chuẩn để được xét tặng huân, huy chương, bằng khen các loại. Những thành tích đạt được của tập thể, cá nhân phải mang tính tiêu biểu, xuất sắc, có phạm vi ảnh hưởng rộng; có sáng kiến được công nhận và áp dụng trong phạm vi toàn quốc, bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương...

Nguyên tắc khen thưởng phải bảo đảm chính xác, công khai, công bằng, kịp thời trên cơ sở đánh giá đúng, đầy đủ, khách quan về thành tích của tập thể, cá nhân đạt được. Đồng thời kết hợp hài hòa giữa động viên tinh thần với khuyến khích lợi ích bằng vật chất. Thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng trên cơ sở đảm bảo đúng các quy định của luật và nghị định, hướng dẫn thi hành luật là đòn bẩy giúp các tập thể, cá nhân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.  

C.T

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu