Thứ 7, 20/04/2024 18:33:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 14:33, 09/09/2018 GMT+7

Để không còn điệp khúc “biết rồi,…”

Chủ nhật, 09/09/2018 | 14:33:00 167 lượt xem

BP - Năm học 2018-2019 đã bắt đầu. Tinh thần “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” lan tỏa trên khắp mọi miền đất nước. Học sinh vui mừng khi khoác lên mình những bộ đồng phục còn thơm mùi vải. Cộng với đó là sự háo hức khi gặp lại thầy cô, bạn bè sau những ngày hè tạm xa mái trường yêu dấu. Hầu hết những bậc làm cha, làm mẹ đều mong con mình được học tập trong ngôi trường có cơ sở vật chất khang trang, chất lượng dạy và học tốt. Đối với các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả thì đây là “chuyện nhỏ” nhưng với các hộ còn khó khăn thì ẩn sau niềm vui là những trăn trở, lo toan với gánh nặng các khoản đóng góp đầu năm học.

Trước khai giảng đúng 1 ngày (4-9), cả ngàn phụ huynh có con theo học tại Trường tiểu học Sơn Đồng (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội) đã phản ứng gay gắt với Ban giám hiệu trường về các khoản thu đầu năm học, bình quân khoảng 8 triệu đồng/học sinh. Mặc dù vị hiệu trưởng đã đứng ra giải thích đây chỉ là mức thu “dự kiến” nhưng các bậc phụ huynh không đồng tình “ngoặc” lại tại sao mới chỉ là “dự kiến” nhưng tiền thì đã thu rồi!? Ngay trong sáng 5-9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có văn bản giao UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo Phòng GD-ĐT huyện khẩn trương kiểm tra, báo cáo có hay không việc lạm thu tại Trường tiểu học Sơn Đồng? Kết quả đúng, sai như thế nào sẽ chờ kết luận sau kiểm tra nhưng sự việc nêu trên đã một lần nữa cho thấy “tính hai mặt” của công tác xã hội hóa, vận động các khoản đóng góp trong nhà trường.

Còn nhớ cách đây đúng 1 năm, báo chí đã phản ánh chuyện thu đến hơn 16,7 triệu đồng/học sinh lớp 1 xảy ra ở Trường tiểu học Chu Văn An (thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Theo lý giải của ông Trưởng phòng GD-ĐT thành phố thì đây là các khoản thu do hội cha mẹ học sinh một lớp 1 của trường tự bàn bạc và thống nhất với nhau chứ không có sự can thiệp từ Ban giám hiệu nhà trường. Dù biện minh với lý do gì đi nữa thì đây thật sự là những việc làm khó chấp nhận. Bởi xét về điều kiện kinh tế, đâu phải phụ huynh nào cũng có đủ khả năng tài chính để lo cho con “bằng bạn bằng bè”? Nhiều ý kiến phụ huynh thể hiện sự “bằng mặt nhưng không bằng lòng” khi cho rằng giáo viên chủ nhiệm các lớp thường “chọn mặt gửi vàng” chức chi hội trưởng cha mẹ học sinh cho những người có điều kiện kinh tế khá giả hoặc lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Khi các vị chi hội trưởng đưa ra mức đóng góp (thường là cao hơn mặt bằng chung) thì hầu hết các bậc phụ huynh đều “bấm bụng” đồng ý kẻo sợ... mang tiếng là ki bo, nhiều chuyện!? Cũng có một số phụ huynh thể hiện rõ quan điểm không đồng tình nhưng vì là thiểu số nên chẳng thay đổi được tình hình. Thậm chí ở một số trường, hội cha mẹ học sinh bị lạm dụng thành “vật tế thần” để ban giám hiệu “chuyền quả bóng” trách nhiệm nếu bị chẳng may phản ánh, phanh phui chuyện lạm thu, tiêu cực.

Cho đến thời điểm này, các trường học trên địa bàn tỉnh ta chưa có thông tin phản ánh về tình trạng lạm thu đầu năm học (hoặc chưa phát hiện). Tuy nhiên, để trị tận gốc “căn bệnh” này cần phải có giải pháp mang tính lâu dài. Huy động xã hội hóa nhằm cải thiện cơ sở vật chất, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục là một chủ trương đúng. Để các bậc phụ huynh đồng thuận cao thì nhà trường cần làm tốt tuyên truyền, vận động. Đồng thời công khai, minh bạch các khoản thu, chi từ hoạt động xã hội hóa. Hội cha mẹ học sinh nên bàn bạc, thống nhất thật dân chủ các khoản đóng góp ở mức vừa phải, tránh tình trạng “ép khéo, cào bằng”, nhất là với những gia đình còn nhiều khó khăn. Có như thế mới hy vọng sẽ không còn điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” chuyện lạm thu sau mỗi mùa tựu trường. 

Chính Trực

  • Từ khóa
88169

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu