Thứ 5, 28/03/2024 22:10:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:23, 06/07/2017 GMT+7

Để không mắc “bẫy tôn giáo, nhân quyền”

Thứ 5, 06/07/2017 | 08:23:00 2,572 lượt xem

BP - Việt Nam có khoảng 25 triệu người theo các tôn giáo khác nhau. Xác định quần chúng tôn giáo là một lực lượng quan trọng của cách mạng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, từ trước tới nay Đảng ta luôn quan tâm, coi trọng hoạt động tôn giáo và đã ban hành rất nhiều chỉ thị, nghị quyết về công tác tôn giáo. Điển hình là Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo.

Bên cạnh số đông đồng bào theo các tôn giáo có lòng yêu nước, đã và đang đóng góp tích cực vào khối đại đoàn kết toàn dân và cho sự phát triển của đất nước, phải thừa nhận một hiện thực, tôn giáo ở nước ta luôn là vấn đề nhạy cảm, bị các thế lực thù địch triệt để lợi dụng để thực hiện mưu đồ chính trị đen tối nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đây là một trong những thủ đoạn chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Thời gian gần đây, chúng triệt để lợi dụng niềm tin tôn giáo, lợi dụng những mâu thuẫn giữa một bộ phận người dân các địa phương với chính quyền trong vấn đề thu hồi đất thực hiện các dự án để kích động người dân biểu tình, gây rối. Nổi cộm nhất trong những tháng đầu năm 2017 là việc một số linh mục không chân chính của đạo Công giáo ở Nghệ An và Hà Tĩnh cố bám víu vào sự cố môi trường biển để kích động giáo dân biểu tình; thậm chí thực hiện những hành vi rất nghiêm trọng là hạ cờ Tổ quốc, treo cờ ngũ sắc lên trụ sở UBND huyện và chặn quốc lộ 1A, gây bức xúc dư luận trong cả nước.

Quan điểm của Đảng ta tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đã, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng đất nước; đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì thế, Đảng, Nhà nước luôn thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc; nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia. Qua hơn 14 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW (khóa IX) của Đảng, công tác tôn giáo đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thể hiện rõ nhất là tư tưởng mặc cảm, định kiến với tôn giáo trong xã hội đã giảm rõ rệt; sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trở thành sinh hoạt văn hóa bình thường của nhân dân, quần chúng có đạo. Đặc biệt, việc thể chế hóa chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng có bước tiến triển mạnh mẽ. Hiến pháp năm 2013 được ban hành đã thể hiện đúng bản chất quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền con người. Trên cơ sở đó, Quốc hội khóa XIII đã đưa vào chương trình xây dựng dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Dù những kẻ cơ hội chính trị đưa ra rất nhiều cái gọi là “bằng chứng”, cả hình ảnh và những bài viết xuyên tạc sự thật, nhưng chỉ cần tinh ý một chút đã có thể thấy rõ những kẻ bị chính quyền các cấp bắt giam không bao giờ vì lý do tôn giáo mà là vì họ vi phạm pháp luật của chính đất nước đã nuôi dưỡng họ. Những đối tượng thù địch với cách mạng Việt Nam chỉ cố tình lợi dụng vụ việc để vu khống, xuyên tạc về tình hình chính trị ở Việt Nam mà thôi. Đáng tiếc là một số người ở nước ngoài, trong đó có những người là nghị sĩ của Quốc hội Mỹ, vì không có thông tin, không nắm thực tế bởi họ chưa bao giờ đặt chân đến Việt Nam mà chỉ nghe theo lời xuyên tạc của bọn cơ hội, phản động và hùa theo một cách mù quáng.

Vậy nhưng hằng năm, Quốc hội Mỹ lại nghe một nhóm nghị sĩ điều trần về tự do tôn giáo toàn cầu. Cũng cứ đến hẹn lại lên, những kẻ mặc áo “dân chủ” nhưng thực ra là những phần tử thù địch với cách mạng Việt Nam sang Mỹ để “trình bản tấu đàn áp tôn giáo” ở Việt Nam. Chúng đưa ra những “bằng chứng” về các “tù nhân lương tâm” bị giam giữ trong tù. Chúng lợi dụng điều kiện khó khăn của cộng đồng các dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa để cổ súy cho tư tưởng chống đối, ủng hộ những phần tử bất mãn, quá khích nhằm kích động biểu tình, gây bạo loạn. Chúng ra sức dụ dỗ, lôi kéo các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị để tập hợp lực lượng chống đối. Vừa mua chuộc, lôi kéo, ép buộc đồng bào các dân tộc, tôn giáo chống đối chính quyền, vượt biên trái phép, gây mất ổn định chính trị - xã hội, chúng vừa tạo cớ để vu khống chính quyền Việt Nam đàn áp đồng bào dân tộc thiểu số, đàn áp tôn giáo, vi phạm dân chủ, nhân quyền.

Với quan điểm nhất quán về tín ngưỡng, tôn giáo, tại Đại hội toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta một lần nữa khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật”.

Hiện nay, lợi dụng xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, các thế lực thù địch đang ráo riết đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, gây mất ổn định xã hội, từ đó phát triển thành các cuộc bạo loạn chính trị để lấy cớ can thiệp quân sự nhằm lật đổ chính quyền cách mạng Việt Nam. Để thực hiện âm mưu đó, các vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” “dân chủ”, “nhân quyền” luôn được sử dụng như một vũ khí đặc biệt quan trọng để chúng xuyên tạc, vu khống, tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ nước ta. Bởi thế, mỗi người cần nhận thức rõ những âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động của chúng để có biện pháp đấu tranh phòng chống kịp thời. Tuyệt đối không để rơi vào “bẫy tôn giáo, nhân quyền” của chúng.

Thảo Linh

  • Từ khóa
2642

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu