Thứ 4, 24/04/2024 13:41:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 10:25, 11/07/2014 GMT+7

Để không tạo ra sức ỳ trong phát triển

Thứ 6, 11/07/2014 | 10:25:00 90 lượt xem
BP - Đọc bài “Rào cản trong công tác giảm nghèo” trên Báo Bình Phước số thứ Tư, ngày 2-7-2014, tự nhiên thấy buồn khi bài báo đưa ra những tên tuổi cụ thể ở thị xã Đồng Xoài không muốn gia đình mình bị đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo. 9 giờ 30 phút, khi đoàn công tác của thị xã Đồng Xoài đến thăm, một cặp vợ chồng đang độ tuổi lao động mới ngủ dậy. Có những người không hề bị bệnh vẫn khai bệnh để được là hộ nghèo. Có những đứa con cố tình tách hộ khẩu riêng cho mẹ già để được hưởng chính sách hộ nghèo...

>> Rào cản trong công tác giảm nghèo

Rồi mới tháng trước, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã dành trọn một ngày để thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012. Tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cho chương trình giảm nghèo trong 8 năm qua lên đến 840 ngàn tỷ đồng, tức bình quân 120 ngàn tỷ đồng/năm. Riêng năm 2014, trong bối cảnh nguồn lực rất khó khăn, Quốc hội đã quyết định giãn, giảm nguồn đầu tư nhiều chương trình xuống còn 50% so với kế hoạch, nhưng chương trình giảm nghèo vẫn được giữ nguyên. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của chương trình mục tiêu mang tính nhân văn này. Thế nhưng rất nhiều đại biểu cho rằng, chương trình giảm nghèo thời gian qua chưa mang lại hiệu quả thực sự, nhiều người không muốn thoát nghèo, xin được làm hộ nghèo để được hưởng các chính sách ưu đãi.

Đáng nói là tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn ngân sách nhà nước không chỉ ăn sâu, bén rễ ở những người nghèo mà còn có trong một bộ phận cán bộ cấp cơ sở. Cách đây không lâu, người viết bài này đọc được mẩu chuyện phiếm trên một tờ báo, kể chuyện xã nọ tổ chức ăn mừng sau khi xin được ở lại danh sách xã nghèo (được tiếp tục đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2). Câu chuyện hài hước, nhưng phản ánh đúng thực tế ở nhiều địa phương. Bởi chỉ cần vài dự án đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, miền núi theo Chương trình 135 là đã mang về cho địa phương một nguồn kinh phí lớn, có khi bằng nguồn thu ngân sách cả năm của xã. Cán bộ mà còn ỷ lại thế, nói gì người dân!

Nhớ một thời chưa xa, nhiều người thấy rất khổ tâm khi gia đình mình có tên trong danh sách hộ nghèo của thôn, của xã. Nhiều người rất nghèo, nhưng vì tự trọng mà không muốn có tên trong danh sách, dẫu biết sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu tiên. Vậy mà bây giờ, nhiều người trong độ tuổi lao động, có việc làm, thu nhập ổn định lại không muốn ra khỏi danh sách hộ nghèo. Thậm chí có những trường hợp phải nhờ vả, chạy chọt để được là hộ nghèo.

Có người cho rằng, chúng ta đang thực hiện chính sách tất cả người nghèo đều được hỗ trợ như nhau. Cách làm này có vẻ nhân đạo, nhưng trong thực tế lại đang làm giảm hiệu quả chính sách, thậm chí phản tác dụng. Từ trước tới nay, dường như chúng ta chỉ làm một chiều là vận động, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo mà chưa làm chiều ngược lại. Cùng với ưu ái, chăm lo cho người nghèo thì cần phải xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng chính sách, trông chờ, ỷ lại, làm mọi cách để được là hộ nghèo. Thậm chí, đầu tư cho người nghèo cần phải có điều kiện kèm theo hỗ trợ, người nghèo phải có cam kết vươn lên. Đồng tiền bỏ ra phải có động cơ, động lực. Nếu cứ ưu đãi sai đối tượng thì những kẻ quen ỷ lại sẽ hút mất một nguồn tiền hỗ trợ của Nhà nước. Vì thế, cần bổ sung, hoàn thiện chính sách giảm nghèo theo hướng khuyến khích người nghèo vươn lên, sao cho chính sách giảm nghèo thật sự là động lực chứ không tạo ra sức ỳ trong phát triển. 

T.N

 

 

  • Từ khóa
108380

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu