Thứ 6, 26/04/2024 04:59:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:42, 31/08/2016 GMT+7

Để kinh tế trang trại không chỉ là tiềm năng

Thứ 4, 31/08/2016 | 14:42:00 201 lượt xem
BP - Với lợi thế về quỹ đất, đặc điểm thổ nhưỡng và tiểu vùng khí hậu phù hợp với cây trồng, chủ yếu là cây lâu năm, lại có nguồn nhân công giá rẻ nên Bình Phước có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế trang trại. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế khách quan thì cũng rất cần sự tác động của Nhà nước thông qua các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư. Có như thế thì kinh tế trang trại mới phát huy hết tiềm năng, thế mạnh và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

THỰC TRẠNG KINH TẾ TRANG TRẠI Ở BÌNH PHƯỚC

Với những lợi thế đã nêu, từ năm 2010, Bình Phước đã có 5.657 trang trại với tổng diện tích 43.445 ha, trong đó chủ yếu là đất trồng cây lâu năm (5.422 trang trại), 144 trang trại chăn nuôi, còn lại là kinh doanh tổng hợp và trang trại lâm nghiệp. Đến năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT quy định tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận trang trại theo chuẩn mới. Theo thông tư này, các tiêu chí để được công nhận là trang trại cao hơn nhiều so với trước. Theo đó toàn tỉnh chỉ còn 1.079 trang trại, trong đó 903 trang trại trồng trọt, 153 trang trại chăn nuôi, 23 trang trại kinh doanh tổng hợp, không có trang trại lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Tất cả huyện, thị xã đều có trang trại nhưng tập trung chủ yếu ở Hớn Quản (208), Chơn Thành (209), Đồng Phú (142), Lộc Ninh (114), Bù Đăng 104). Tổng diện tích đất đang sử dụng của 1.079 trang trại là 17.926 ha, bình quân 16,6 ha/trang trại. Sau khi có tiêu chí đánh giá mới, số trang trại trên địa bàn tỉnh tuy giảm về số lượng và diện tích, nhưng hiệu quả sản xuất đã tăng đáng kể. Đặc biệt tính chuyên môn hóa trong sản xuất kinh tế trang trại ngày càng được nâng lên.

Trại nuôi heo của hộ dân ở xã Tân Quan, huyện Hớn Quản - Ảnh: H.CTrại nuôi heo của hộ dân ở xã Tân Quan, huyện Hớn Quản - Ảnh: H.C

HỮNG KHÓ KHĂN, BẤT CẬP TRONG PHÁT TRIỂN
KINH TẾ TRANG TRẠI

Việc phân bố không đều giữa các vùng, các lĩnh vực là một khó khăn đối với các chủ trang trại trong quá trình liên kết để tìm đầu ra cho sản phẩm. Do sản xuất vẫn nhỏ lẻ, ít đầu tư công nghệ nên tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải, chất thải không được xử lý ở một số nơi đã ở mức báo động, nhất là đối với các trang trại chăn nuôi. Về trình độ quản lý, sản xuất, các chủ trang trại chủ yếu là nông dân, đi lên từ tích tụ đất đai, không được đào tạo bài bản nên khả năng quản lý sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật còn nhiều hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thực tế. Theo ông Dụng Qúy Đông, chủ trang trại cây ăn trái ở Tân Hưng (Đồng Phú), một trong những khó khăn hiện nay là việc liên kết bao tiêu sản phẩm của các chủ trang trại không chủ động được nơi tiêu thụ và không quản lý được giá bán. Do việc quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất - kinh doanh của các chủ trang trại đa phần dựa vào kinh nghiệm; người làm việc tại trang trại chủ yếu là lao động phổ thông, dẫn đến khó khăn cho việc áp dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất - kinh doanh của trang trại.

CÁC CHƯƠNG TRÌNH, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ
KINH TẾ TRANG TRẠI

Hiện các chủ trang trại được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn qua Nghị định số 55/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ. Nghị định này đã khắc phục được những bất cập trong chính sách cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP. Theo đó, mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, chủ trang trại, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã được nâng lên từ 1,5-2 lần so với trước; đã có quy định mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với một số lĩnh vực đặc thù có nhu cầu vốn lớn trong sản xuất nông nghiệp; có quy định riêng về chính sách tín dụng khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích các tổ chức tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn...

Thời gian qua, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo triển khai thực hiện Thông tư số 27/TT-BNNPTNT ngày 13-4-2011 của Bộ NN&PTNT quy định về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Tính đến ngày 30-6-2016, toàn tỉnh đã cấp được 131 giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Tuy nhiên, nhu cầu cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại chủ yếu là ở các chủ trang trại chăn nuôi, nhằm huy động nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất và thuận lợi hơn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm.

Những năm qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp đưa vào vận hành nhiều công trình thủy lợi phục vụ nông nghiệp. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 66 công trình với năng lực thiết kế tưới 17.657 ha. Hằng năm, tỉnh đã quan tâm tổ chức hội chợ trái cây và hàng nông sản kết hợp quảng bá các sản phẩm nông nghiệp; trình diễn những tiến bộ khoa học - kỹ thuật được áp dụng trong nông nghiệp, ngư nghiệp để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất; quảng bá, tư vấn, giới thiệu tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp và nông dân nhằm tìm đầu ra cho nông sản. Thông qua các hội chợ đã tạo điều kiện cho nông dân gặp gỡ, giao lưu trực tiếp với người tiêu dùng, các nhà khoa học, doanh nghiệp để trao đổi thông tin, tiếp cận thành tựu khoa học công nghệ mới; tăng cường xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, khai thác mọi nguồn lực để hỗ trợ kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển bền vững.

CẦN HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
KINH TẾ TRANG TRẠI

Các trang trại đã tạo việc làm cho khoảng từ 15.000-20.000 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 4-4,5 triệu đồng/người/tháng (năm 2015). Với doanh thu trung bình khoảng 1,9 tỷ đồng/trang trại năm 2015 đã góp phần nâng cao thu nhập cho các chủ trang trại.

Mặc dù giá trị sản xuất hàng hóa bình quân một trang trại trên địa bàn tỉnh tương đối lớn nhưng số có thu nhập cao chỉ tập trung ở một số trang trại chăn nuôi, còn các loại hình trang trại trồng trọt, lâm nghiệp, kinh doanh tổng hợp thì giá trị sản xuất thấp. Nguyên nhân do chất lượng sản phẩm chưa cao, sản phẩm bán ra chủ yếu dưới dạng thô, chưa qua chế biến nên giá bán thấp, sức cạnh tranh yếu. Nhiều chủ trang trại chưa nắm bắt được nhu cầu thị trường nên sản xuất thụ động. Số lượng trang trại ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản còn hạn chế và cũng mới chỉ tập trung ở lĩnh vực chăn nuôi. Sản xuất của các trang trại chưa thật sự bền vững, phần lớn chất lượng sản phẩm chưa được quản lý chặt chẽ.

Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở NN&PTNT

Hiện nay, nhiều trang trại trên địa bàn tỉnh đã đầu tư phát triển theo hướng bền vững. Điển hình có thể kể đến trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao của ông Trần Cao Toán ở xã Bình Sơn (Bù Gia Mập). Với quy mô nuôi 100 heo nái, ông để lại nuôi khoảng 1.000 heo thịt/năm, còn lại bán heo giống. Do chăn nuôi theo công nghệ khép kín nên trang trại chỉ sử dụng 2 lao động thường xuyên. Mỗi năm trừ chi phí thức ăn, thuốc thú y lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng. Hay như trang trại 149 ha trồng điều của ông Võ Hùng Chiến ở thôn Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập). Nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững, năng suất bình quân đạt gần 2 tấn/ha. Trừ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thuê nhân công, lợi nhuận bình quân đạt 40 triệu đồng/ha/năm. Hơn 100 ha cao su của ông Điểu Thiệt ở ấp 3, xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản do áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững nên trong khi nhiều người phải cưa cao su vì hạ giá, trang trại của ông vẫn đạt doanh thu bình quân 60 triệu đồng/ha/năm. Trừ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thuê nhân công, lợi nhuận bình quân đạt 20 triệu đồng/ha/năm...

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, việc phát triển kinh tế trang trại là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta. Để giúp loại hình kinh tế này phát triển trong thời gian tới, cần phải ban hành một số chủ trương, chính sách riêng của tỉnh như khuyến khích, hỗ trợ nhân dân ở các vùng có lợi thế phát triển vùng chuyên canh; cải tiến thủ tục cấp đất, giao đất, cho thuê đất, miễn thuế sử dụng đất đối với những năm đầu cho chủ trang trại khi có đầy đủ điều kiện và có phương án sản xuất - kinh doanh khả thi. Cần mở rộng đối tượng cho vay, nâng mức cho vay các trang trại; tăng cường khuyến khích liên kết sản xuất tiêu thụ giữa các trang trại với các doanh nghiệp và phải có sự liên kết “bốn nhà”; có chính sách hỗ trợ đào tạo tập huấn về quản lý, kỹ thuật cho các chủ trang trại. Bên cạnh đó, các cấp, ngành phải có quy hoạch từng nhóm ngành, vùng sản xuất cụ thể.

Linh Tâm

  • Từ khóa
40647

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu