Thứ 7, 27/04/2024 03:50:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:06, 23/04/2013 GMT+7

Dễ lạm quyền trong việc nổ súng

Thứ 3, 23/04/2013 | 08:06:00 244 lượt xem

Bộ Công an vừa công bố Dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trước khi trình Chính phủ xem xét và ban hành. Trong dự thảo nghị định này có quy định cho phép người thi hành công vụ được nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công,...

Và đây là vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Cụ thể, tại Điều 18 của Dự thảo nghị định có quy định như sau: “Trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ có dấu hiệu của một tội phạm ít nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực... Trường hợp có căn cứ thực tế để cho rằng hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ hoặc của người khác hoặc có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hoặc nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ,...”.

Theo ý kiến của cá nhân người viết bài này thì quy định trên chẳng những vừa thừa, lại vừa không cần thiết, mà còn có nguy cơ gây ra hệ lụy bất ổn về sau. Bởi vì, nếu để lực lượng thi hành công vụ tự dựa vào những dấu hiệu ban đầu để xác định tội phạm ít nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là vô cùng khó khăn. Thực tế cho thấy, khi nghi ngờ tội phạm, các cơ quan tố tụng phải thực hiện rất nhiều biện pháp tư pháp để củng cố chứng cứ trong thời gian dài mới có thể kết luận được. Vì vậy, không thể cho rằng cứ thấy có dấu hiệu nguy hiểm là có thể nổ súng. 

Hơn nữa, tại Điều 22 của Pháp lệnh về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 30-6-2011 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2012) cũng đã có những quy định cụ thể về những trường hợp được phép nổ súng, gồm: a) Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; b) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật; c) Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ; d) Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; d) Đối tượng đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm;...

Mặt khác, Bộ luật Hình sự hiện hành cũng đã quy định về việc phòng vệ chính đáng. Cụ thể, Điều 15 của Bộ luật Hình sự có quy định như sau: Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Như vậy, với những quy định của pháp luật hiện hành, người thi hành công vụ đủ điều kiện để xử lý trong tình huống bị đối tượng chống người thi hành công vụ đe dọa tính mạng, sức khỏe... Vì vậy, quy định như trong dự thảo nghị định trên chẳng những không cần thiết, mà còn có nguy cơ tạo điều kiện cho người thi hành công vụ có thể lạm quyền dẫn đến hành vi xâm phạm tới tính mạng, sức khỏe của người dân.

N.V

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu