Thứ 3, 16/04/2024 13:12:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 11:41, 09/03/2017 GMT+7

Để mô hình kinh tế tập thể của thanh niên hoạt động hiệu quả

Thứ 5, 09/03/2017 | 11:41:00 544 lượt xem
BP - Từ tháng 3-2017, Báo Bình Phước sẽ mở chuyên mục “Khởi nghiệp”. Nội dung phản ánh về điển hình tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, những vấn đề đặt ra trong quá trình khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Tòa soạn Báo Bình Phước rất mong nhận được sự cộng tác viết bài và đón đọc chuyên mục mới của báo.

Phát huy sức trẻ trong lập thân lập nghiệp, nhiều thanh niên nông thôn đã tập hợp, vươn lên làm giàu bằng các mô hình kinh tế. Tuy nhiên, nhiều mô hình hiện nay khó tiếp cận các nguồn vốn; sản xuất còn manh mún, thiếu kỹ thuật. Với 37 tổ hợp tác và 3 hợp tác xã của thanh niên, Tỉnh đoàn đã có những phương án, cách làm “lạ” để duy trì các mô hình hoạt động, đồng thời có phương án tư vấn để thanh niên khởi nghiệp.

TỰ LỰC LÀ CHÍNH

Xã đoàn Thanh Lương được Thị đoàn Bình Long đánh giá là đơn vị có các mô hình kinh tế tập thể thanh niên hoạt động hiệu quả. Ở đây đã thành lập và ra mắt được 7 tổ hợp tác kinh tế như: dê, bò, nấm, gà, rau sạch... Thế nhưng, các tổ hợp tác của thanh niên vẫn hoạt động theo hình thức tự lực cánh sinh. Mong đợi nguồn vốn từ Trung ương Đoàn hay từ các ngân hàng trở nên xa vời với họ.

Trồng nấm bào ngư xám đang mang lại thu nhập ổn định cho Tổ hợp tác thanh niên ấp Phố Lố, xã Thanh Lương

Mô hình trồng nấm bào ngư xám của nhóm thanh niên ấp Phố Lố do Nguyễn Duy Hào làm chủ nhiệm ra mắt tháng 7-2016. Mô hình đã cho thấy hướng đi mới của thanh niên nông thôn trong việc lựa chọn những sản phẩm cần thiết và phù hợp nhu cầu thị trường. Từ học hỏi qua sách vở, nhóm của Hào đã vay mượn gần 100 triệu đồng để xây dựng trang trại nấm bào ngư xám với 30.000 phôi. Khi phôi nấm đã phát triển, mỗi đợt phôi cho thu hoạch từ 3-5 tháng, cả nhóm có thể thu lời 50 triệu đồng. Anh Hào cho biết: Trồng nấm bào ngư xám được nhiều thanh niên nông thôn chọn để khởi nghiệp. Ngoài thu nấm, túi phôi, chúng tôi có thể tận dụng để trồng nấm rơm. Thu hoạch xong nấm rơm thì trồng gừng... Tuy nhiên, hiện các thành viên mới chỉ dừng lại ở trồng nấm bào ngư xám, việc đi xa hơn khó thực hiện bởi chúng tôi không đủ tài chính.

Cùng với trồng nấm bào ngư xám, tổ hợp tác nuôi dê của thanh niên ấp Thanh Hải, xã Thanh Lương cũng quy tụ được 9 thành viên với 600 con dê. Vì không được hỗ trợ vốn để mở rộng quy mô nên các thành viên của tổ vẫn hoạt động riêng lẻ theo hình thức kinh tế hộ. Tổ hợp tác chỉ họp khi cần trao đổi kinh nghiệm, cách phòng trừ bệnh cho dê. So với trước khi thành lập tổ hợp tác, hoạt động sản xuất của các thành viên không thay đổi gì nhiều.

Anh Nguyễn Minh Hậu, Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh niên chăn nuôi dê cho hay: Tổ hợp tác nuôi dê không cần hỗ trợ nhiều vốn. Hiện giá thịt dê cao và phát triển đàn giống dễ dàng. Mong muốn của đoàn viên thanh niên khi tham gia tổ hợp tác là được sự hỗ trợ từ cơ quan chuyên môn để có thêm kiến thức về chăn nuôi, nhưng hiện tại vẫn chưa có, các thành viên tư vấn, hỗ trợ nhau là chủ yếu.

CẦN CHỦ ĐỘNG, SÁNG TẠO

Chị Lường Thị Xuyến, Trưởng ban Thanh niên nông thôn, công nhân viên chức và đô thị, Tỉnh đoàn cho biết: UBND tỉnh và Tỉnh đoàn rất quan tâm việc phát triển và duy trì các mô hình kinh tế tập thể cho thanh niên nông thôn. Đây cũng là một trong những giải pháp để tập hợp thanh niên nông thôn hiệu quả. Tuy nhiên, vốn để hỗ trợ thanh niên làm kinh tế tập thể rất hạn hẹp, cụ thể, năm 2016, Trung ương Đoàn chỉ hỗ trợ 780 triệu đồng. Và Tỉnh đoàn đã giải ngân, đặc biệt ưu tiên cho các huyện, thị có nhiều hợp tác xã, hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đầu ra sản phẩm và giá cả ổn định, mô hình nuôi dê của Tổ hợp tác ấp Thanh Hải, xã Thanh Lương là tín hiệu vui cho sự thành công từ mô hình kinh tế tập thể của thanh niên

Đối với những mô hình kinh tế tập thể của thanh niên nông thôn, có rất nhiều lý do không thể tiếp cận vốn. Theo hướng dẫn thì nguồn vốn Trung ương Đoàn không cho vay những dự án nhỏ lẻ, người lao động mà chỉ cho vay theo trang trại hoặc các cơ sở sản xuất - kinh doanh, vì vậy các tổ hợp tác càng khó nhận được nguồn vay này. Ngoài ra, thanh niên nông thôn không thể tiếp cận vốn từ các ngân hàng chính sách. Theo lý giải từ đại diện ngân hàng, các mô hình kinh tế tập thể của thanh niên nông thôn chưa có khả năng sinh lời, đồng thời tài sản thế chấp không có hoặc rất thấp.

Trước thực tế này, Tỉnh đoàn đã nhiều lần làm việc với các tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển kinh tế của thanh niên nông thôn. Trong đó, hướng cho các tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia và thực hiện những thủ tục, điều kiện cần thiết, trở thành thành viên của Liên minh Hợp tác xã. Từ đó có thể tiếp cận các vốn từ quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Thứ hai là thanh niên nên chọn những mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của bản thân và gia đình, những mô hình mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, không chạy theo phong trào...

Hiện nay, Tỉnh đoàn đang kết hợp với 2 mô hình khởi nghiệp thành công là Công ty Công cà phê và Công ty TNHH nấm linh chi Trường Thọ để giúp các bạn trẻ có “máu” khởi nghiệp nhưng vốn chưa nhiều. Đối với Công ty TNHH nấm linh chi Trường Thọ, mỗi ký nấm linh chi khi bán được sẽ nhận 200 ngàn đồng tiền lời/người. Đồng thời, công ty sẽ trích lại 100 ngàn đồng/kg nấm để góp phần phát triển Quỹ thanh niên khởi nghiệp của Tỉnh đoàn. Tương tự, với sản phẩm Công cà phê, hiện mô hình chuyển nhượng xe cà phê đã được phát triển khắp huyện, thị của tỉnh với nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp hấp dẫn.

Thanh Nga

  • Từ khóa
38397

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu