Thứ 6, 29/03/2024 03:24:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:53, 31/05/2018 GMT+7

Để môi trường giáo dục lành mạnh hơn

Thứ 5, 31/05/2018 | 08:53:00 169 lượt xem

Năm học 2017-2018 đang khép lại trong niềm phấn khởi của toàn ngành giáo dục vì đã hoàn thành tốt chương trình đề ra. Tuy nhiên, trước diễn biến ngày một phức tạp của bạo lực học đường, ngày 16-5-2018, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã có Văn bản số 434/TTr-NV2 chỉ đạo thanh tra các sở GD-ĐT khẩn trương lập, duy trì đường dây nóng để kịp thời xử lý các thông tin liên quan đến an ninh, an toàn trường học.

Những năm học trước, tình trạng bạo lực học đường chủ yếu diễn ra giữa học sinh với nhau hoặc giữa học sinh với các đối tượng ngoài xã hội thường vì những mâu thuẫn, va chạm nhỏ trong cuộc sống. Thế nhưng, bạo lực học đường trong năm học 2017-2018 lại có những diễn biến phức tạp, liên quan đến giáo viên nhiều hơn. Đó là những vụ thầy giáo sàm sỡ học sinh tiểu học, chuyện cô giáo THPT nín lặng không giảng bài trong suốt 3 tháng lên lớp chỉ vì sợ bị quay phim, ghi hình tung lên mạng. Đặc biệt là vụ giáo viên ép học sinh lớp 3 uống nước giẻ lau bảng, hay câu chuyện vị hiệu trưởng quay lưng bỏ đi khi đồng nghiệp, nhân viên của mình phải quỳ gối trước sức ép của phụ huynh. Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một clip tố cáo nữ giáo viên ở một trung tâm Anh ngữ thóa mạ học sinh, sau đó nữ giáo viên này còn quay video phát trên internet để thách thức khiến dư luận càng thêm bất bình...

Sau khi những sự cố đáng tiếc trong trường học liên tiếp xảy ra, nhiều ý kiến cho rằng giáo dục Việt Nam chỉ vì chạy theo thành tích nên buông lỏng quản lý, nâng cao đạo đức nhà giáo và chưa quan tâm đúng mức đến đào tạo nhân cách cho học sinh. Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập, bùng nổ thông tin mạng nên có sự xâm nhập luồng văn hóa thực dụng, ngoại lai đã ảnh hưởng đến môi trường sư phạm, làm cho văn hóa học đường ngày một xuống cấp. Một bộ phận giáo viên ngộ nhận, nghĩ mình có quyền lực tuyệt đối đối với học sinh. Sách giáo khoa hiện nay biên soạn rất ngắn gọn; đề thi, bài kiểm tra đã có sẵn đáp án. Nhiều phụ huynh than thở, học sinh ngày nay chỉ học vẹt, thiếu sáng tạo và tư duy phản biện bởi lý thuyết trò “ngoan” dễ bảo hơn là tạo sự tranh luận, tìm kiếm cái mới từ gợi ý bài giảng của giáo viên... Chính những điều này dẫn đến các vụ việc tiêu cực trong trường học.

Để chấn chỉnh tình trạng này, ngày 7-5-2018, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Chỉ thị số 1737/CT- BGDĐT về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo. Ngay sau khi Chỉ thị số 1737 có hiệu lực, thanh tra bộ đã có văn bản yêu cầu thanh tra các sở GD-ĐT khẩn trương thiết lập đường dây nóng để kịp thời xử lý các hành vi bạo lực học đường.

Ở Bình Phước trước đây từng xảy ra vụ 3 giáo viên ở một trường tiểu học ép 19 học sinh ăn ớt vì “tội” nói chuyện riêng trong lớp, gây bức xúc dư luận. Tuy nhiên, vấn đề được hầu hết phụ huynh ở tỉnh ta quan tâm là tình trạng dạy thêm, học thêm. Cho dù ngành GD-ĐT tỉnh đã có nhiều giải pháp, song tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn chưa được kiểm soát. Vì vậy, dư luận trong tỉnh rất mong Thanh tra Sở GD-ĐT sớm công bố đường dây nóng để phụ huynh phản ánh những biểu hiện tiêu cực. Đây cũng là cơ sở để ngành giáo dục tỉnh nhà loại bỏ những “hạt sạn”, góp phần làm môi trường giáo dục lành mạnh, trong sáng hơn.

Tấn Phong

  • Từ khóa
108880

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu