Thứ 5, 25/04/2024 09:13:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 13:54, 05/01/2019 GMT+7

Để mùa điều năng suất cao

Thứ 7, 05/01/2019 | 13:54:00 219 lượt xem
BP - Thời gian này, cây điều đang vào mùa cao điểm trổ bông và đậu trái. Thế nhưng, thời tiết lại mưa nắng thất thường khiến người trồng điều luôn phấp phỏng lo âu. Biến đổi khí hậu năm nay thật khó lường, nếu theo quy luật, những ngày đầu năm tiết trời mùa khô thường nắng ấm, phù hợp để cây điều ra hoa, đậu trái. Thế nhưng những ngày qua, trên địa bàn tỉnh đã có mưa phùn, trời se lạnh về đêm và sáng sớm, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng của cây trồng.

Điều là cây công nghiệp dài ngày có khả năng thích hợp trồng trên nhiều loại đất khác nhau. Tuy là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc nhưng lại thường gặp nhiều loại sâu bệnh phá hoại, nhất là trong điều kiện khí hậu bất lợi. Cây điều ra và nở hoa, đậu trái bắt đầu từ tháng 11 kéo dài tới tháng 3 năm sau; rộ nhất vào tháng giêng, tháng 2. Hoa điều thụ phấn chủ yếu nhờ côn trùng, do đó nếu gặp mưa, sương mù, nhất là sương muối thì phấn không bung ra được, dẫn đến tỷ lệ đậu trái rất thấp. Trong khi đó, giai đoạn ra hoa, đậu trái quyết định rất lớn đến năng suất, chất lượng của cả vườn điều. Trên địa bàn tỉnh liên tục nhiều năm gần đây, điều bị sâu bệnh phá hoại, một số bà con nông dân đã chuyển đổi cây trồng khác.Trong năm 2018, toàn tỉnh đã có hơn 22.000 ha điều bị sâu bệnh. Ngành nông nghiệp tỉnh đã thành lập các tổ ra quân hỗ trợ cùng nông dân “giải cứu” sâu bệnh cho cây điều; đồng thời, thường xuyên thông báo cho nông dân tình hình dịch bệnh và sự bất lợi của thời tiết.

Những tháng đầu năm 2019, dự báo thời tiết không thuận lợi đối với cây trồng nói chung và cây điều nói riêng. Mưa trái mùa, sương mù, áp thấp nhiệt đới và hiện có cơn bão số 1... là những yếu tố thiên nhiên gây bất lợi cho vụ điều năm nay. Mưa trái mùa trong những ngày vừa qua, nhất là những cơn mưa phùn vào ban đêm gặp gió lạnh kéo dài sẽ là tác hại nghiêm trọng đến cây điều đang vào mùa ra hoa. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau nhiều năm cây điều bị sâu bệnh gây hại, một điều dễ nhận thấy là quy trình kỹ thuật quản lý dịch bệnh chưa sát và phù hợp thực tế. Vì vậy, công tác quản lý dịch hại tổng hợp mang tính đồng bộ và tăng cường các biện pháp sinh học đang được ngành đặt ra ngày càng cấp bách.

Ngay từ đầu niên vụ 2018-2019, việc chăm sóc cây điều và cải tạo những vườn điều già cỗi được ngành nông nghiệp và chính quyền các cấp trong tỉnh triển khai đến nông dân. Theo các nhà khoa học, khâu chăm sóc đóng vai trò quyết định năng suất và sản lượng điều trong niên vụ này. Nhà nông phải tỉa cành, tạo tán để tiêu diệt những ổ sâu đục thân, cành và bọ xít muỗi tấn công cây điều. Bên cạnh đó, cần áp dụng các biện pháp cạnh tranh sinh họcnhằm mang lại hiệu quả cao hơn. Cụ thể, người trồng điều cần trồng keo để dụ kiến vàng đến vườn điều. Kiến vàng là khắc tinh của sâu đục thân và bọ xít muỗi. Với biện pháp này, người trồng điều sẽ giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây, vừa áp dụng canh tác sinh học, tránh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hạt điều.

Đến nay, tại hầu hết các vùng trồng điều, nông dân đã tuân thủ thực hiện quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây. Tuy vậy, diễn biến bất lợi của thời tiết đã và đang ảnh hưởng xấu đến nhiều vườn cây. Điều đang ra hoa, kết trái nhưng lại gặp thời tiết lạnh, mưa trái mùa cùng với ảnh hưởng của cơn bão số 1 khiến nông dân không thể yên tâm. Nhà nông đang rất cần sự tiếp tục đồng hành của cán bộ khuyến nông, ngành nông nghiệp với mong muốn có một mùa điều năng suất cao.

Thanh Hà

  • Từ khóa
109025

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu