Thứ 6, 29/03/2024 06:42:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:32, 24/04/2018 GMT+7

Để ngành điều Bình Phước giữ vững vị trí “Quán quân”- Bài cuối

Thứ 3, 24/04/2018 | 06:32:00 523 lượt xem

>> Bài 1: Làm giàu từ cây điều
>> Bài 2: Tiếng nói nhà khoa học
>> Bài 3: 
“Chìa khóa” phát triển ngành điều

MỞ LỐI CHO NGÀNH ĐIỀU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

BP - Toàn tỉnh hiện có 173.920 ha điều, chiếm 32,7% trong tổng diện tích cây lâu năm của tỉnh và Bình Phước đang giữ vai trò là thủ phủ của cây điều trong nước. Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng các cấp, ngành trong tỉnh đã có những chủ trương, chính sách tháo gỡ kịp thời nhằm giữ vững ngôi vị số 1 của loại nông sản chủ lực này.

Định hướng nhiều triển vọng

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Hạt điều không chỉ đóng góp tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh mà còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 50 ngàn lao động tại 226 doanh nghiệp, 328 cơ sở chế biến điều cùng hàng ngàn lao động trực tiếp trong sản xuất và thu mua tại vườn, góp phần ổn định cuộc sống cho 71.612 hộ trồng điều trên tổng 187.881 hộ nông dân trong tỉnh.

Phân loại hạt điều ở Công ty Hoàng Sơn I (Bù Đăng)

Để nông dân gắn bó với cây điều, ngành NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1559/QĐ-UBND, ngày 30-6-2016 phê duyệt “Đề án phát triển bền vững ngành điều Bình Phước đến năm 2020”. Theo đó, đến năm 2020, tổng diện tích điều toàn tỉnh là 181.000 ha. Trong đó diện tích điều trên đất sản xuất nông nghiệp là 137.700 ha, năng suất trung bình đạt 2 tấn/ha, sản lượng đạt trên 280 ngàn tấn; còn diện tích điều trên đất rừng sản xuất 43.300 ha, năng suất 1,8 tấn/ha và sản lượng đạt 77.940 tấn. Đồng thời xây dựng đề cương và dự toán sản xuất điều theo hướng VietGAP thí điểm tại Bù Gia Mập; tham mưu các hạng mục vốn vay ODA để đầu tư phát triển cây điều; xây dựng dự thảo nghị quyết phát triển cây điều Bình Phước đến năm 2020, tầm nhìn 2030... Ngành còn xây dựng hệ thống canh tác điều trồng xen, nuôi xen khoảng 30% diện tích điều với các cây trồng, vật nuôi nhằm đa dạng hóa sản phẩm và tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Hình thành ít nhất 40 câu lạc bộ liên kết sản xuất; chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu với tổ chức của những người trồng điều trên địa bàn... Đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét trình Chính phủ ban hành chính sách đặc thù cho cây điều Bình Phước tương tự như cây cà phê của Tây Nguyên và cây thanh long của Bình Thuận.

Ngành còn theo dõi, chọn lọc, bình tuyển những cây điều tốt tại địa phương để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Hướng dẫn nông dân thực hiện liên kết và tiến tới xây dựng được các chuỗi giá trị trong sản xuất với nhiều hình thức như tổ hợp tác, câu lạc bộ, hợp tác xã, cánh đồng lớn... Hiện nay, có 30 hợp tác xã, 46 tổ hợp tác đang hoạt động về lĩnh vực nông nghiệp, điển hình như: Liên hợp tác xã điều Bình Phước hoạt động với hình thức liên kết sản xuất điều theo tiêu chuẩn FLO và Organic xuất khẩu qua thị trường EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... thông qua doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ là Công ty cổ phần xuất nhập khẩu điều Việt Hà. Dự kiến năm 2018, ngành sẽ hình thành câu lạc bộ điều 3 tấn làm mô hình điểm khuyến khích nhà nông đầu tư cho phát triển cây điều; xây dựng quy trình kỹ thuật chăm sóc phù hợp theo từng giai đoạn; triển khai các mô hình chăm sóc, thâm canh điều hiệu quả...

Thực tế, sản phẩm hạt điều Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng được đánh giá cao về cả chất lượng, kích cỡ lẫn màu sắc và mùi vị đặc trưng. Tuy nhiên, do hằng năm Bình Phước phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu nhân hạt điều từ các nước vào khoảng 50% để đáp ứng nhu cầu chế biến của các nhà máy trong tỉnh. Mặt khác, các doanh nghiệp chế biến điều chủ yếu là xuất thô, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu nên hầu như chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm. 

Đối với mục tiêu tái cơ cấu ngành, bên cạnh định hướng về tăng năng suất, sản lượng, xây dựng hệ thống canh tác, tổ chức sản xuất, ngành tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành công nghiệp chế biến giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn đến 2025 và sắp xếp lại các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều theo hướng giảm đầu mối, giảm cơ sở chế biến nhỏ, không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm; phát triển các cơ sở chế biến lớn, thiết bị và công nghệ hiện đại. Trong đó, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp có công suất thiết kế lớn hơn 10.000 tấn/năm. Nâng công suất chế biến các nhà máy chế biến lên khoảng 350 ngàn tấn/năm, đảm bảo chế biến hết khoảng 90% sản lượng điều của tỉnh (gồm cả nhập khẩu). Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết, liên doanh hình thành các công ty có tiềm lực tài chính, trình độ công nghệ cao, thương hiệu mạnh tham gia thị trường trong và ngoài nước.

Trong chế biến sâu nhân điều thành thực phẩm ăn liền tập trung đầu tư một số cơ sở chế biến có công suất lớn hơn 5.000 tấn/năm với dây chuyền thiết bị, công nghệ hiện đại, tổ chức quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn HACCP, GMP, đủ điều kiện tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu. Cải tạo, nâng cấp dây chuyền thiết bị và công nghệ của các cơ sở chế biến hiện có theo hướng hiện đại, đồng bộ, đa dạng hóa sản phẩm theo thị hiếu của khách hàng. Đến năm 2020, phấn đấu khoảng 15.000 tấn sản phẩm sau nhân điều được chế biến sâu. Đẩy mạnh tiêu thụ điều trong nước, tìm kiếm thị trường xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu và mở rộng xúc tiến thương mại ở các thị trường trọng điểm. Tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, khuyến khích xuất khẩu thông qua Hội điều Bình Phước...

Và những tín hiệu lạc quan

Ngày 13-3-2018, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) ban hành Quyết định số 673/QĐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hạt điều Bình Phước. Quyết định này đóng vai trò quan trọng trong việc xúc tiến thương mại, làm tăng thêm giá trị, uy tín cho sản phẩm hạt điều Bình Phước và mang lại những lợi ích kinh tế cho người trồng điều trong tỉnh. Đây vừa là tin vui đối với những người đang trồng, sản xuất và chế biến điều trong tỉnh, vừa tạo điều kiện thuận lợi để các cấp, ngành và người dân tiếp tục đầu tư phát triển cũng như đẩy nhanh tiến trình xây dựng thương hiệu hạt điều Bình Phước.

Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh cũng vừa chấp thuận triển khai Dự án “Xây dựng mô hình trồng mới, ghép cải tạo và thâm canh điều bền vững tại tỉnh Bình Phước”. Dự án này sẽ tạo ra các cánh đồng điều giống mới trên cơ sở những giống điều được Bộ NN&PTNT hoặc Sở NN&PTNT công nhận. Các mô hình áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học - kỹ thuật thâm canh tổng hợp gồm: Trồng mới, ghép cải tạo, tái canh, đốn tỉa, bón phân hợp lý, phòng trừ sâu, bệnh hại cây điều. Những vườn điều mới này có năng suất cao, chất lượng hạt điều vượt trội so với những vườn điều lẫn tạp giống như hiện nay, góp phần cải tạo, phục hồi các vườn điều già cỗi, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân.

Ngày 23-1-2018, UBND tỉnh có Công văn số 247/UBND-TH gửi Sở Công Thương, yêu cầu đơn vị chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu “Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản chủ lực tỉnh Bình Phước giai đoạn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Hiện sở đã xây dựng xong đề án, trong đó nêu rõ mục tiêu đến năm 2025, thương hiệu hạt điều địa phương được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong nước và đến ít nhất 50 quốc gia trong nhóm thị trường mục tiêu Mỹ, EU, Nhật Bản... Đồng thời quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu, vùng sản xuất hạt điều thỏa mãn nhu cầu mang chỉ dẫn địa lý, khả năng truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thương hiệu hạt điều địa phương. Hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thương hiệu của doanh nghiệp và các dòng sản phẩm hạt điều, ứng dụng khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đến năm 2030, thương hiệu hạt điều địa phương được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong nước và đến ít nhất 100 quốc gia trong nhóm thị trường mục tiêu Mỹ, EU, Nhật Bản... Phấn đấu đạt 50% sản lượng xuất khẩu các dòng sản phẩm mang thương hiệu hạt điều Bình Phước và tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hy vọng những tín hiệu lạc quan như đã nêu sẽ mở ra lối đi nhiều triển vọng cho ngành điều Bình Phước trong tương lai gần.

Mai Ly - Như Thảo

  • Từ khóa
93560

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu