Thứ 3, 16/04/2024 18:46:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:24, 08/05/2018 GMT+7

Để ngành điều trở thành kinh tế mũi nhọn của cả nước

Thứ 3, 08/05/2018 | 06:24:00 295 lượt xem

BP - “Hạt điều Việt Nam tạo được thứ hạng trên thị trường thế giới trong thời gian ngắn là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, nếu không tái cơ cấu lại ngành hàng sẽ rất rủi ro vì chúng ta đang lệ thuộc 60% nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Khó nhưng khẳng định phải làm được. Các bộ, ngành Trung ương phải điều chỉnh đề án tái cơ cấu ngành điều cho phù hợp. Muốn ngành hàng giữ vững ngôi vị cao nhất phải tạo thương hiệu, tôn vinh ngành hàng một cách xứng đáng” - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tại hội nghị phát triển ngành điều Việt Nam tổ chức tại Bình Phước ngày 5-5-2018.

Tăng số lượng, nhưng ít DN chế biến sâu

Theo số liệu báo cáo của sở NN&PTNT các tỉnh, diện tích cây điều cả nước năm 2017 là 337.143 ha, bao gồm cả 39.645 ha điều trồng trên đất rừng của tỉnh Bình Phước, tăng 4.410 ha so với năm 2016. Trong đó, diện tích cho thu hoạch 283.216 ha, chiếm 94,1%; các tỉnh khu vực Đông Nam bộ trồng 183.700 ha, chiếm 61% diện tích cả nước. Việt Nam có 465 doanh nghiệp (DN) chế biến điều, nhưng quy mô còn nhỏ lẻ dẫn đến những hạn chế trong kiểm soát chất lượng và cạnh tranh trên thị trường (90% DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ). Trong đó, chế biến sâu có khoảng 20 DN với công suất 15,4 ngàn tấn sản phẩm/năm, còn lại là các cơ sở nhỏ lẻ, cung ứng cho thị trường nội địa khoảng 20.000 tấn sản phẩm/năm. Việt Nam xuất khẩu điều trên 90 thị trường và vùng lãnh thổ. Trong đó, Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam.

Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh lựa chọn mắt ghép của 5 giống điều nổi trội để nhân giống

Hiện các DN chế biến nhân điều xuất khẩu là chủ yếu. Thị trường nội địa chưa được quan tâm đúng mức, tỷ lệ chế biến sâu thành các sản phẩm điều rang muối, điều chiên bơ, điều có gia vị, điều hỗn hợp, bánh kẹo điều... vẫn rất ít, chỉ chiếm khoảng 6%. Vì không chế biến sâu nên giá trị sản phẩm hạt điều xuất khẩu của Việt Nam hiện rất thấp.

Tại hội nghị, các chuyên gia ngành điều cho rằng: Có quá nhiều DN tham gia xuất khẩu điều, số DN xuất khẩu tăng lên hằng năm. Nhiều DN không có cơ sở chế biến, chỉ thu gom để xuất khẩu, dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều. Do chất lượng thấp và xuất khẩu với số lượng không đáng kể, lại phải cạnh tranh về giá đã gây thiệt hại cho các DN sản xuất lành mạnh nói riêng và ngành điều nói chung.

Ông Tạ Quang Huyên, chủ DN Hoàng Sơn 1 ở huyện Bù Đăng chia sẻ: “Công suất chế biến của DN trong nước là 1,7 triệu tấn, nhưng nguyên liệu tại chỗ chỉ đáp ứng 300 ngàn tấn. Con số chênh lệch này thể hiện, chế biến điều đã vượt xa nguồn cung từ trồng trọt điều. DN mong các cấp, bộ, ngành và tỉnh có giải pháp ứng dụng khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng, chất lượng nhân điều, đáp ứng kịp nhu cầu chế biến, sản xuất”.

An toàn thực phẩm quyết định sự sống còn của ngành điều

Ông Tạ Quang Huyên nhận định: “Việc phát triển quá nhiều DN với quy mô sản xuất manh mún sẽ tạo áp lực tranh mua, tranh bán, dẫn đến khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm ở các cơ sở chế biến nhỏ lẻ. Nếu không làm tốt an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm quốc gia. Vì vậy, cần thay đổi về nhận thức từ chế biến đến xuất khẩu, đồng thời công nhận các sản phẩm an toàn, tạo thương hiệu cho hạt điều Việt Nam”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyên Xuân Cường thăm dây chuyền sản xuất khép kín của Công ty TNHH SX-TM Phúc An

Để giữ vững vị trí đầu bảng, những nhà sản xuất chế biến hạt điều của Việt Nam ngoài đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất với dây chuyền chế biến hiện đại, Công ty TNHH SX-TM Phúc An ở thị xã Phước Long luôn ưu tiên hàng đầu cho chất lượng sản phẩm nên đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe nhất của Mỹ và châu Âu. Ông Lê Quang Luyến, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH SX-TM Phúc An cho rằng: DN mong muốn các bộ, ngành và tỉnh có chính sách đặc thù cho ngành điều, xem cây điều là cây chủ lực của quốc gia. Đồng thời có những giải pháp cứng rắn và căn cứ pháp lý đủ mạnh áp dụng với DN muốn tham gia lĩnh vực chế biến, xuất khẩu điều, để không còn tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”. Có như vậy hạt điều Việt Nam mới được tôn vinh.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý, các DN chú trọng phát triển thị trường trong nước, sáng tạo ra nhiều món ăn đặc sản từ trái, hạt điều phục vụ người dân, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Ngành nông nghiệp hoàn toàn có thể phối hợp ngành du lịch tổ chức các tour tham quan vườn điều, nhà máy sản xuất, sản phẩm lưu niệm để quảng bá cho ngành điều và thưởng thức những món ăn chế biến từ điều, góp phần tăng thu nhập cho người trồng điều lẫn DN chế biến.

Nông dân, DN ngành điều sẽ không phải “tự bơi”

Bình Phước hiện có hơn 200 DN chế biến với trên 400 hộ kinh doanh tập trung tại các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Đồng Phú. Sản lượng trong tỉnh chỉ đáp ứng được 25% công suất, còn lại 75% là nhập khẩu. Thị trường xuất khẩu hạt điều trong tỉnh chủ yếu là Trung Quốc. Việc phát triển ngành điều trong tỉnh đang gặp khó khăn về vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng không bảo đảm, đa số DN chỉ dừng ở chế biến thô.

“Ngành NN&PTNT cũng sẽ tập trung phát triển chế biến sâu, lựa chọn những DN có năng lực để đầu tư phát triển. Muốn cho ngành hàng lên ngôi phải tạo thương hiệu, tôn vinh ngành hàng một cách xứng đáng. Bộ đồng ý chủ trương tổ chức lễ hội Quả điều vàng lần 2 tại tỉnh Bình Phước. Về các chính sách hỗ trợ, bộ sẽ tập trung nhóm giải pháp hỗ trợ đưa ngành điều trở thành ngành hàng kinh tế mũi nhọn của cả nước; khép kín chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ để có kết quả rõ nét trong thời gian tới”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường

Định hướng xây dựng thương hiệu hạt điều Bình Phước, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh: Được mệnh danh là thủ phủ điều, nhưng ngành điều trong tỉnh đang đối mặt với thực trạng năng suất thấp. Năng suất thấp dẫn đến nguồn nguyên liệu chủ yếu phải nhập khẩu. Chuỗi liên kết giữa nông dân, DN mới hình thành bước đầu dẫn đến thực trạng phân khúc trong thu mua, chế biến mạnh ai nấy làm. Kết quả ngành điều hiện có do DN, nông dân “tự bơi” là chính, còn Nhà nước đầu tư chưa nhiều. Khó khăn về nguồn lực tài chính, sự biến đổi khí hậu và nhận thức của người trồng, sản xuất điều vẫn đang là trở ngại không nhỏ của tỉnh. Sắp tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ ban hành 2 nghị quyết về cây điều và chăn nuôi. Trong đó, khuyến khích sản xuất nhiều tầng trên một diện tích, kết hợp chăn nuôi đối với vùng khó khăn về nước tưới, đảm bảo tăng thu nhập cho nông dân; đầu tư giống mới cho vùng điều già cỗi của đồng bào dân tộc thiểu số theo hình thức cuốn chiếu; tổ chức tiếp thị quảng bá sản phẩm điều.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đề nghị Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành Trung ương đưa cây điều vào cây chủ lực quốc gia, từ đó có các chính sách, gói vốn ưu đãi cho nông dân, DN. Khi có chính sách riêng cho ngành hàng sản xuất, chế biến sản phẩm từ điều thô sẽ giảm tình trạng xuất thô, tăng giá trị sản phẩm từ điều. Hiệp hội Điều Việt Nam có chương trình hợp tác phát triển ngành điều và đầu tư cho nông dân cùng với các nguồn lực của tỉnh, giúp nông dân đổi mới sản xuất, thúc đẩy ngành điều phát triển.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Phải quyết tâm và trách nhiệm để tái cơ cấu ngành điều. Tinh thần chung của đề án tái cơ cấu ngành điều là không tăng diện tích, nhưng phải tăng năng suất, giá trị. Quan trọng là phải phối hợp giữa nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nông để tăng năng suất vườn điều. Trung ương sẽ điều chỉnh đề án tái cơ cấu ngành điều đã xây dựng 2 năm trước cho phù hợp, trọng tâm là nghiên cứu hướng điều chỉnh sản xuất cây điều thích ứng biến đổi khí hậu. Đối với 10 tỉnh trọng điểm phải làm đề án riêng theo đặc thù từng tỉnh, tập trung phát triển cho từng tiểu vùng, từng loại giống phù hợp với địa phương để tăng năng suất và chất lượng.

Ngân Hà - Mai Ly

  • Từ khóa
93567

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu