Thứ 6, 29/03/2024 06:03:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:02, 26/08/2016 GMT+7

Để Nghị định số 46/2016/NĐ-CP đi vào cuộc sống

Thứ 6, 26/08/2016 | 15:02:00 1,450 lượt xem
BP - Ngày 26-5-2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định này thay thế Nghị định số 107/2014/NĐ-CP và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2016. Trong Nghị định số 46/2016/NĐ-CP có trên 100 hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông với mức phạt tăng nặng. Vì vậy, nghị định này được kỳ vọng sẽ đảm bảo tính răn đe và nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân và doanh nghiệp.

So với quy định trước đây, trong Nghị định số 46/2016/NĐ-CP có nhiều quy định chặt chẽ hơn, chế tài xử phạt tương ứng hơn với tính chất, mức độ, hậu quả của các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Đồng thời, nghị định mới cũng đã bổ sung các hành vi vi phạm và sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với quy định của các văn bản mới hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt. Điều đáng ghi nhận là nghị định mới đã kịp thời khắc phục triệt để những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP.

Cụ thể, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP đã sửa đổi 105 hành vi và nhóm hành vi vi phạm, đồng thời bổ sung quy định xử phạt đối với 33 nhóm hành vi và đưa khỏi nghị định một số hành vi trùng lắp với các quy định khác. Một trong những thay đổi đáng lưu ý là trong Nghị định số 46/2016/NĐ-CP đã bổ sung loại hình “xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện” vào khái niệm “các loại xe tương tự xe ôtô”. Bên cạnh đó, nghị định này cũng điều chỉnh lại cụm từ “giao hoặc để” thành “giao phương tiện hoặc để” vào điều khoản xử lý vi phạm đối với chủ xe có hành vi vi phạm. Mục đích của việc điều chỉnh này là để làm rõ hơn trách nhiệm của chủ xe, tránh tranh cãi trong quá trình xử lý.

Điểm mới tiếp theo trong Nghị định số 46/2016/NĐ-CP là nếu doanh nghiệp BOT để xảy ra ùn tắc quá 10 phút tại khu vực thu phí hoặc để ùn tắc kéo dài từ 750m trở lên hoặc trên 100 xe sẽ bị xử phạt tới 70 triệu đồng. Riêng đối với các doanh nghiệp vận tải, nếu có hành vi “núp bóng” xe hợp đồng vận chuyển hành khách liên tỉnh, cũng sẽ có mức xử phạt tăng nặng. Đối với một số lỗi vi phạm có tính chất cố ý khác, như: Say rượu lái xe phạt tới 18 triệu đồng, lái xe quá tốc độ bị tước giấy phép đến 5 tháng, doanh nghiệp chở quá tải bị phạt cao nhất 64 triệu đồng. Và điểm mới khác biệt nữa là theo quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, các lực lượng chức năng sẽ áp dụng được cụ thể, chính xác nhất các quy định về vi phạm và xử phạt vi phạm Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt.

Mặc dù trong nội dung của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP đã làm rõ nhiều vướng mắc hơn so với Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập và không ít lỗ hổng khiến các lực lượng thực thi lo lắng, e ngại. Ví dụ như vượt đèn đỏ thì bị phạt là lẽ đương nhiên, vì đó là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Nhưng nếu vượt đèn vàng mà cũng bị phạt như hành vi vượt đèn đỏ là không công bằng. Chưa hết, hầu hết hành vi vi phạm trong Nghị định số 46/2016/NĐ-CP đều có mức phạt tăng cao. Trong khi đó, hành vi đua xe trái phép lại có mức phạt giữ nguyên như trong Nghị định số 171/2013/NĐ-CP. Với mức phạt này dư luận không đồng tình, vì nó không công bằng với các hành vi khác. Trong khi đó, hành vi đua xe trái phép có mức nguy hiểm cho xã hội cao hơn. Điều này chẳng những làm giảm sức răn đe mà còn gây bất bình trong dư luận.

Một cán bộ thanh tra giao thông cho biết, ngoài những bất cập nêu trên, trong Nghị định số 46/2016/NĐ-CP vẫn còn nhiều quy định cần được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Cụ thể là mức xử phạt vi phạm đối với các chủ bến xe để xe đón khách ngoài bến, gây ùn tắc trước bến còn quá nhẹ. Hay như mức phạt 200 ngàn đồng đối với người đi bộ vào đường cao tốc hoặc vượt đèn vàng bị phạt tới 2 triệu đồng là quá cao, không phù hợp.

Vì vậy, để những quy định của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP sớm đi vào cuộc sống và có tác dụng thiết thực trong việc lập lại trật tự, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, các cơ quan chức năng cần sớm xem xét để có những điều chỉnh hợp lý. Và điều quan trọng hơn là làm gì và như thế nào để người dân cũng như doanh nghiệp nắm chắc những quy định trong nghị định này.

N.V

  • Từ khóa
1278

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu