Thứ 7, 20/04/2024 19:06:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:30, 08/03/2018 GMT+7

Để nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống

Thứ 5, 08/03/2018 | 08:30:00 143 lượt xem

BP - Tại Hội nghị lần thứ 6, khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 “Về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Nghị quyết đặt ra nhiều mục tiêu. Cụ thể, đến năm 2021, cả nước phải giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015 và khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ quản lý... Nghị quyết được dư luận cả nước hết sức quan tâm, bởi trong những năm qua, bộ máy hành chính ở nước ta đã phình to gây nhiều lãng phí về nhân lực và tài chính. Vì vậy, dư luận đánh giá đây là một chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng ta về tinh gọn bộ máy, giảm bội chi ngân sách.

Sau khi Nghị quyết số 18 ban hành, các địa phương trong cả nước đã quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên nội dung, mục tiêu và các giải pháp thực hiện. Mới đây, Tỉnh ủy Bình Phước đã xây dựng dự thảo về Đề án “Triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 và số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII” về tinh gọn bộ máy hành chính ở các đơn vị thuộc khối Đảng, Nhà nước, đoàn thể... từ thôn, ấp đến cấp tỉnh. Từ dự thảo này, đã có nhiều gợi ý hay về việc sáp nhập, tinh giảm đầu mối một số đơn vị, sở, ngành, đặc biệt việc tinh gọn hệ thống giáo dục, ngành y tế... rất đáng quan tâm.

Bình Phước hiện có 471 trường học, trong đó 8 trung tâm giáo dục thường xuyên, 34 trường THPT, 107 trường THCS, 173 trường tiểu học và 149 trường mầm non. Bình quân mỗi trường có ban giám hiệu 3 người thì toàn tỉnh có 471 hiệu trưởng và 942 hiệu phó, tức cán bộ quản lý cấp trường là 1.413 người. Nếu tổ chức thành trường học đa cấp gồm cả THCS và THPT hoặc tiểu học và THCS thì chỉ cần 1 hiệu trưởng và 2 hiệu phó thì sẽ giảm được một ban giám hiệu. Nếu mỗi huyện, thị chỉ có 1 trường THPT, mỗi xã có 1 trường cấp 1-2, thì toàn tỉnh chỉ còn 11 trường THPT và 112 trường cấp 1-2, tức giảm được 191 trường ở 3 cấp học, giảm được 191 ban giám hiệu. Riêng các trung tâm giáo dục thường xuyên chuyển thành trung tâm đào tạo nghề bởi nhu cầu người học ở hệ thống ngày càng ít. Như vậy, chỉ riêng việc sắp xếp lại hệ thống giáo dục như nêu trên thì Bình Phước sẽ giảm một khoản chi không nhỏ cho ngân sách, đồng thời tinh gọn bộ máy ở các trường học và cán bộ quản lý có điều kiện phát huy khả năng của mình.

Trước đây, do giao thông cách trở, đi lại khó khăn nên mỗi xã, phường, thị trấn trong cả nước nói chung và Bình Phước nói riêng đều có 1 trạm y tế để sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện giao thông thuận tiện, phương tiện cá nhân nhiều nên khi đau ốm, hầu hết người dân đều đi thẳng đến tuyến trên. Hơn nữa, trang thiết bị cũng như tay nghề của nhân viên y tế ở tuyến xã chưa tạo được lòng tin đối với người bệnh nên trạm y tế xã rơi vào cảnh “vắng như chùa Bà Đanh”. Vì vậy, việc sắp xếp lại các trạm y tế là rất cần thiết, nhất là các xã trung tâm huyện, thị trấn hay các phường thì không duy trì trạm y tế, còn ở vùng sâu, xa, biên giới cần nâng cấp về thiết bị, nhân lực và mở rộng loại hình khám chữa bệnh cho trạm để đáp ứng nhu cầu hiện nay. Lợi ích cho đất nước đã rõ, vấn đề còn lại là cả hệ thống chính trị phải có quyết tâm cao để nghị quyết của Đảng thực sự đi vào cuộc sống.

Tấn Phong

  • Từ khóa
108828

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu