Thứ 7, 27/04/2024 03:49:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:16, 11/03/2017 GMT+7

Để “người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt”: Rất cần có bộ quy tắc ứng xử

Thứ 7, 11/03/2017 | 10:16:00 2,132 lượt xem

BP - Ngày 25-1-2017, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 522/QĐ-UBND về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội. Quy tắc ứng xử này gồm 4 chương và 11 điều. Phạm vi áp dụng của quy tắc này bao gồm các cơ quan đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang và các đơn vị sự nghiệp công lập (cơ quan) thuộc thành phố Hà Nội, đối tượng áp dụng là tất cả cán bộ đang làm việc trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội.

Điều đáng ghi nhận ở bộ quy tắc này là rất ngắn gọn, súc tích dễ hiểu, dễ thực hiện. Đặc biệt, mục đích của việc thực thi quy tắc này là nhằm hướng đến đích cuối cùng là phục vụ người dân. Vì thế, nội dung chính của quy tắc này nằm ở Chương II - ứng xử với người dân và gói gọn trong hai điều 7 và 8, gồm những nội dung như sau: Tại cơ quan làm việc (Điều 7): Giải quyết yêu cầu, công việc của người dân đúng quy định, quy trình. Giao tiếp, làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm; ưu tiên hỗ trợ giải quyết công việc với người già, yếu, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người đau ốm. Không sách nhiễu, gợi ý đưa tiền, nhận tiền, quà biếu; không hẹn gặp giải quyết công việc bên ngoài cơ quan và ngoài giờ làm việc. Không gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt người dân. Nghiêm túc nhận lỗi, nhận khuyết điểm, thành khẩn tự phê bình, rút kinh nghiệm khi để xảy ra sai sót.

Giải quyết yêu cầu, công việc của người dân đúng quy định, quy trình và giao tiếp với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm sẽ mang lại hiệu quả cao. Trong ảnh: Công chức ở phòng một cửa thị xã Đồng Xoài giải quyết công việc - Ảnh: Sỹ Hòa

Tại khu dân cư và nơi công cộng (Điều 8): Vận động gia đình, người thân, những người xung quanh tham gia thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, thực hiện pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội. Gương mẫu, tránh phô trương, lãng phí, mục đích trục lợi trong việc tổ chức các hoạt động liên hoan, cưới hỏi, tang lễ, mừng thọ, sinh nhật, tân gia... Gương mẫu chấp hành và vận động người dân thực hiện các nội quy, quy tắc nơi công cộng; không vi phạm các chuẩn mực về thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc. Không tham gia, xúi giục, kích động hoặc bao che các hành vi vi phạm pháp luật của người khác.

Mục đích của bộ quy tắc trên đây là để xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thủ đô “Kỷ cương - Trách nhiệm - Tận tình - Thân thiện”. Đồng thời, định hướng cho cán bộ các chuẩn mực trong giải quyết công việc với tổ chức và công dân, trong gia đình và xã hội. Góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Cũng với mục đích hướng đến cuộc sống văn minh, lịch sự hơn, ngày 7-11-2016, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 260-KH/UBND về thực hiện cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” (gọi tắt là cuộc vận động) gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối tượng mà kế hoạch hướng đến là: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo; học sinh, sinh viên; công nhân lao động; nông dân; doanh nhân, doanh nghiệp; thầy thuốc; cán bộ, chiến sĩ các đơn vị lực lượng vũ trang; Ứng xử tại cộng đồng, khu dân cư; ứng xử nơi công cộng và cuối cùng là ứng xử trong gia đình.

Cụ thể, đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động: Luôn gương mẫu, lắng nghe, tận tâm, trung thực, tận tụy với công việc được giao, cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Người cán bộ, công chức, viên chức phải là công bộc của dân, phải gần dân, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân, vì dân phục vụ... Đối với công nhân lao động: Luôn tìm cách cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Người làm công việc lao động vệ sinh luôn giữ gìn đoạn đường được phân công xanh, sạch, đẹp... Đối với doanh nhân, doanh nghiệp: Tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, coi trọng chữ “tín”, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm với xã hội và cộng đồng. Không buôn gian, bán lận, trốn thuế. Tiểu thương không buôn bán sản phẩm, hàng hóa, thực phẩm có chứa hóa chất độc hại, nhiễm bẩn, quá hạn sử dụng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... Hay như đối với học sinh, sinh viên: Tích cực tham gia bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi... Đây là vấn đề được cả xã hội đã và đang đặc biệt quan tâm, thế nhưng việc này lại chỉ dành riêng cho học sinh, sinh viên là không thỏa đáng và dễ dẫn đến các đối tượng khác hiểu lầm rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của riêng học sinh, sinh viên.

Đối với những nội dung ứng xử tại cộng đồng, khu dân cư; nơi công cộng và trong gia đình, cũng trong tình trạng tương tự, vừa dài vừa giống khẩu hiệu nhưng lại không hướng đối tượng đến việc nên làm điều gì và không nên làm những việc gì. Bên cạnh đó, nội dung về ứng xử trong gia đình lại mang nặng phân tích giá trị truyền thống gia đình Việt Nam, chứ không phải là quy tắc ứng xử. Cụ thể, ứng xử trong gia đình: Gia đình truyền thống Việt Nam trải qua bao đời đã kết tinh những giá trị tốt đẹp, thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc “con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; anh em hòa thuận; vợ chồng thủy chung”; phát huy lòng yêu nước, yêu quê hương, hiếu nghĩa, hiếu học, thủy chung, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Để cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” thực sự có hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng nội dung trong Kế hoạch số 260-KH/UBND của UBND tỉnh cần sớm được chỉnh sửa, bổ sung cho đầy đủ nhưng ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và phù hợp thực tế địa phương. Đồng thời, những nội dung của cuộc vận động rất cần được tập hợp thành bộ quy tắc ứng xử với mọi đối tượng, vì tính nguyên tắc, bắt buộc của bộ quy tắc cao hơn so với “cuộc vận động” và có như vậy thì việc thực thi sẽ hiệu quả hơn.

K. Ngọc

  • Từ khóa
17503

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu