Thứ 3, 23/04/2024 15:17:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:33, 27/11/2018 GMT+7

Để những cuốn sách không “ngủ”

Thứ 3, 27/11/2018 | 08:33:00 160 lượt xem
BP - Ngày 21-11, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam (21-4) trên địa bàn tỉnh. Không riêng gì dự thảo báo cáo do Sở Thông tin và Truyền thông - đơn vị được ủy quyền chủ trì

chuẩn bị mà các báo cáo tham luận tại hội nghị cũng đưa ra rất nhiều con số thể hiện sự nỗ lực của các ngành, địa phương trong việc đưa sách đến với công chúng, nhất là đối tượng học sinh.

Theo đó, 5 năm qua, Thư viện tỉnh đã tái sử dụng nguồn sách được thanh lọc tặng 46 thư viện trường học, tủ sách cơ sở với 17.303 bản sách, góp phần bổ sung nguồn thông tin, tư liệu cho cơ sở phục vụ bạn đọc. Thư viện tỉnh cũng đã phối hợp tổ chức trưng bày sách, báo; tổ chức xe thư viện lưu động với tổng số sách trưng bày 1.500 bản, thu hút hơn 1.100 lượt bạn đọc đến nghiên cứu sách, báo và truy cập internet; phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Ngày hội văn hóa đọc; phối hợp các trường học tổ chức hội thi kể chuyện sách vào dịp hè hằng năm; tổ chức viết cảm nhận về sách rất nhiều đợt... Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh sách trên địa bàn tỉnh cũng thực hiện những hoạt động quảng bá nhằm đưa sách tới cộng đồng ngày càng nhiều hơn...

Tại hội nghị, có ý kiến cho rằng, những con số nêu trên mới chỉ thiên về số lượng, chưa hoàn toàn phản ánh đúng nhu cầu đọc sách cũng như văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh theo đúng tinh thần Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam. Cũng có ý kiến cho rằng, cái khó của Bình Phước trong việc nâng cao văn hóa đọc là do chưa có Thư viện tỉnh đúng nghĩa. Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng, thách thức, trở ngại của việc nâng cao văn hóa đọc không phải là có hay chưa có Thư viện tỉnh mà là bởi bây giờ, người ta có quá nhiều kênh để nắm bắt thông tin; có quá nhiều thứ để đọc, để xem ngoài sách, báo như tivi, điện thoại kết nối mạng. Một người nông dân có khi chẳng bao giờ đụng tới một cuốn sách nhưng họ vẫn có thể nắm bắt những chuyện xảy ra ở bên kia bán cầu chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh có nối mạng và ở ngay trên cánh đồng chứ không cần tới thư viện. Bởi thế, việc chúng ta cần làm bây giờ là tìm cách “lôi” mọi người, nhất là giới trẻ ra khỏi những thiết bị thông minh, để họ ít bị lệ thuộc vào những thiết bị ấy nhất.

Với sức hấp dẫn của mạng xã hội, những trò tiêu khiển từ các thiết bị thông minh, làm được điều đó là rất khó, nhưng không phải là không thể. Nếu hệ thống thư viện của tỉnh cùng các ngành văn hóa, giáo dục, y tế, công an... có thể phối hợp để tổ chức những cuộc thi viết cảm nhận về những nhân vật, những cuốn sách có ảnh hưởng mạnh tới công chúng như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc hay những sự kiện, nhân vật có thật trên địa bàn tỉnh; nếu tổ chức được những buổi giới thiệu tác giả, tác phẩm mới, ký tặng sách của những tác giả ngay trong tỉnh; những buổi giới thiệu tác phẩm đoạt giải Nobel văn học hằng năm; thậm chí có thể tổ chức những cuộc thi viết lại đoạn kết của những câu chuyện cổ tích nổi tiếng như Thạch Sanh, Tấm Cám, Cây tre trăm đốt... hẳn sẽ thu hút không chỉ giới trẻ mà sẽ có rất nhiều đối tượng khác tham gia, bởi họ có đọc những cuốn sách tham khảo thì mới viết cảm nhận được. 

Và đó chính là cách để những cuốn sách phải rất vất vả, tốn kém mới tới được với cộng đồng sẽ không “ngủ yên” trên giá sách; cũng chính là việc làm thiết thực nhất để nâng cao văn hóa đọc một cách thực chất nhất.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu