Thứ 6, 26/04/2024 05:17:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:32, 14/10/2015 GMT+7

Để nông dân bớt vất vả và thiệt thòi

Thứ 4, 14/10/2015 | 10:32:00 408 lượt xem
BP - Khi bàn về vấn đề nông dân Việt Nam, các nhà nghiên cứu đều có chung một suy nghĩ và kết luận: Nông dân ta còn quá nhiều nỗi khổ! Bởi họ là những người phải hứng chịu thiên tai nhiều nhất, được hưởng các dịch vụ công ít nhất; năng suất lao động thấp, thiếu vốn, thiếu thông tin thị trường...

Không những thế, nông dân hiện nay còn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Đó là an ninh nông thôn, phí chồng phí, nạn hàng giả, phân bón, thuốc trừ sâu giả; nạn lừa đảo tín dụng; tình trạng bán hàng đa cấp lừa đảo cũng đã tràn về nông thôn, làm cho bà con có thể rơi vào nghèo túng hoặc mang nợ bất cứ lúc nào. Những năm vừa qua, hầu như nông dân ở tất cả các vùng, miền đều luôn phải vật lộn trong cái vòng luẩn quẩn: được mùa - mất giá và được giá - mất mùa.

Những chuyện buồn vì nông sản của nông dân làm ra bán không ai mua thời gian vừa qua gần như là chuyện “cơm bữa”. Vẫn biết, trong kinh tế thị trường, giá cả nông sản lên xuống là lẽ thường, nhưng xuống đến đáy là thảm họa cho nông dân. Trước đây, ở Bình Phước điều được coi là “cây xóa đói, giảm nghèo”, nhưng khi hạt điều mất giá, nông dân chặt bỏ trồng cao su. Bây giờ mủ cao su xuống giá, nông dân lại cưa cây cao su bán củi để trồng tiêu... Năm nay, theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh đã có gần 2.000 ha cao su bị nông dân chặt bỏ. Tới đây, khi mủ cao su lên giá, ai có thể ngăn nông dân phá cây điều, tiêu để trồng lại cao su?...

Làm đủ ăn để rồi tiến tới giàu có trên chính mảnh đất của mình là mong mỏi bao đời của người nông dân. Muốn đạt được ước mơ đó, ngoài sức lao động của mình, nông dân còn phải biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác, bắt tay với các nhà khoa học, doanh nghiệp uy tín, đầu tư cho nông nghiệp và tìm thị trường ổn định cho đầu ra nông sản thì mới mong có thể làm giàu được. Cùng với đó là trách nhiệm của Nhà nước, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, đoàn thể, ngành nghề phải nhanh chóng giúp nông dân xóa cái vòng luẩn quẩn “trồng - chặt, chặt - trồng”, làm sao không còn điệp khúc “được mùa - mất giá”.

Nước ta có 2/3 dân số sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp; nông dân chính là cái gốc của sự tồn tại và phát triển đất nước. Mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp cần định lượng bằng giá trị, lấy lợi nhuận làm thước đo. Vì vậy, quy hoạch kinh tế - xã hội tổng thể, trong đó có quy hoạch nông nghiệp, nông thôn là việc làm quan trọng và cấp bách nhất. Thời gian qua, xây dựng nông thôn mới ở nhiều nơi chưa thực sự chú trọng yếu tố bền vững. Thậm chí có nơi còn chạy theo thành tích nên nông dân chưa dốc hết sức để ủng hộ phong trào. Nông nghiệp không phải ngành kinh tế đơn thuần mà là ngành kinh tế mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc, bảo đảm an sinh và ổn định xã hội, là nền tảng cho phát triển các ngành kinh tế khác. Bởi vậy, không thể cứ để nông dân phải chịu những thiệt thòi và nỗi khổ không đáng có như thời gian vừa qua.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu