Thứ 5, 25/04/2024 08:22:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:26, 19/01/2017 GMT+7

Để sự tôn nghiêm pháp luật không bị bào mòn

Thứ 5, 19/01/2017 | 08:26:00 149 lượt xem
BP - Ngày 17-1, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo công bố thông tin liên quan đến số tiền bồi thường oan sai cho “tù nhân lịch sử” Huỳnh Văn Nén. Tròn 1 năm với 7 lần thương lượng, cuối cùng 2 bên thống nhất mức bồi thường 10 tỷ 133 ngàn đồng.

Ông Nén là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan về tội giết người. Đại gia đình ông Nén đã tan hoang cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng của cụm từ này sau 17 năm đằng đẵng tìm mọi cách để minh oan nhưng đều bị các cơ quan tố tụng từ tỉnh Bình Thuận đến tối cao từ chối. Sau 17 năm ngồi tù, ông Nén chỉ được minh oan sau khi hung thủ thật sự ra đầu thú năm 2015 - tương tự vụ án khiến ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang phải ngồi tù 10 năm, được minh oan cùng năm 2015 và được bồi thường 7,2 tỷ đồng.

Đó là chuyện ở Bình Thuận và Bắc Giang. Ở Bình Phước cũng có những vụ án ly kỳ không kém. Đó là “kỳ án vườn mít” cưỡng hiếp và giết trẻ em xảy ra ở xã Thanh An, huyện Hớn Quản với 10 năm qua 7 lần xét xử, bị cáo bị tuyên án tử hình, sau đó được tuyên vô tội, rồi lại bị tuyên tử hình và hiện đang thụ án chung thân. Bên cạnh kỳ án, còn có những vụ án “nho nhỏ”, như vụ án chị Tiêu Thị Sự ở xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng bị tạm giam 10 tháng và 9 năm sau... được đình chỉ điều tra (chứ không phải được minh oan và bồi thường). Đặc biệt là trong khi chị Sự và người thân ôm đơn đi khắp nơi xin được xét xử và giải quyết dứt điểm vụ án, thì Tòa án nhân dân tỉnh lại... quên hồ sơ vụ án tới 4 năm 4 tháng sau khi tuyên án không giao lại cho cấp sơ thẩm (quy định của pháp luật tối đa chỉ 15 ngày)...

Có quá nhiều vấn đề để nói về những vụ án oan và những “tù nhân lịch sử”. Và cũng có quá nhiều nguyên nhân dẫn tới vì sao tố tụng ở nước ta xảy ra nhiều oan sai như vậy. Trong phạm vi bài viết này, xin được nêu một khía cạnh của một trong số rất nhiều nguyên nhân ấy. Đó là người chịu trách nhiệm cho những bản án ấy đã phải chịu trách nhiệm như thế nào khi có những phán quyết sai lầm?

Trong vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn phải ngồi tù oan, cán bộ của 3 cơ quan tố tụng liên quan đến vụ án đều bị khởi tố về hành vi “làm sai lệch hồ sơ vụ án” hoặc “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm nguyên Phó trưởng Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; nguyên Trưởng phòng 10, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang và nguyên thẩm phán xét xử phúc thẩm vụ án. Thế nhưng, trong vụ án ông Huỳnh Văn Nén bị ngồi tù oan tới 17 năm, chỉ có thẩm phán xét xử vụ án bị... phê bình rút kinh nghiệm. Thẩm phán và thư ký “quên hồ sơ” vụ án chị Tiêu Thị Sự chỉ bị khiển trách... Đặc biệt, những vụ án oan phải bồi thường cho đến nay tất cả đều lấy từ tiền ngân sách nhà nước - cũng là tiền do nhân dân đóng góp; các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán liên quan không phải bỏ ra một đồng nào.

Khiến một người “cả đời” ngồi tù oan về tội “giết người” mà chỉ bị phê bình rút kinh nghiệm. Về mặt kinh tế, nhà nước mất hơn 10 tỷ đồng để bồi thường, còn cán bộ... không mất gì. Cũng gây ra hậu quả oan sai nghiêm trọng nhưng người bị khởi tố, người chẳng hề hấn gì... Sự khập khiễng trong quy định pháp luật và việc thiếu ràng buộc trách nhiệm đối với người có trách nhiệm khiến dư luận không khỏi băn khoăn, bức xúc. Không chỉ vậy, điều đó còn khiến pháp luật của chúng ta bị bào mòn sự tôn nghiêm, xã hội suy giảm niềm tin vào lẽ phải. Hơn ai hết, những cán bộ “Nhân danh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” chắc chắn hiểu rõ nhất vấn đề này?

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu