Thứ 6, 19/04/2024 23:29:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:16, 21/05/2015 GMT+7

Để tuổi thọ của luật dài hơn

Thứ 5, 21/05/2015 | 10:16:00 129 lượt xem
BP - Không phải trong những năm gần đây, mà đã từ nhiều năm nay có không ít bộ luật, điều luật tuy mới được ban hành, mới được sửa đổi, bổ sung nhưng ngay sau đó đã phát sinh bất cập và không đi vào cuộc sống. Vẫn biết rằng luật pháp luôn luôn đi sau cuộc sống, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, nhưng tình trạng trên cứ kéo dài thì sẽ là vật cản lớn đến tiến trình phát triển của đất nước.

Cụ thể, Luật khiếu nại đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua 11-11-2011 và có hiệu lực thi hành từ 1-7-2012. Sau gần 3 năm đi vào cuộc sống, một số quy định trong luật này đã phát sinh nhiều bất cập. Thậm chí có những quy định ngay sau khi luật có hiệu lực đến nay vẫn đứng ngoài cuộc sống. Đó là quy định tại Khoản 1, Điều 33 về khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính có nội dung như sau: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại quy định tại Điều 28 của luật này mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày. Trường hợp khiếu nại lần hai thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, các tài liệu có liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.

Như vậy, theo quy định như trong điều luật nêu trên thì trong thời gian 30 ngày mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lên cấp cao hơn. Tuy nhiên, điều luật này có mâu thuẫn ở chỗ “trong trường hợp khiếu nại lần đầu không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai nhưng lại bắt buộc kèm theo đơn khiếu nại là quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu”. Điều bất cập ở đây là lần đầu đã giải quyết đâu mà yêu cầu phải có quyết định giải quyết lần đầu kèm theo đơn khiếu nại lần sau. Và ở đây có vấn đề đặt ra nữa là trong trường hợp này, người khiếu nại lần hai không kèm theo quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có giải quyết hay không?

Thứ hai là Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 20-11-2014 và có hiệu lực thi hành từ 1-1-2016. Tức là, hiện nay luật này chưa có hiệu lực, nhưng những quy định trong Điều 60 của luật này đã không nhận được sự đồng tình hưởng ứng của dư luận. Thậm chí, ở một số địa phương đã xảy ra biểu tình phản đối việc thực thi điều này. Cụ thể, nội dung không được dư luận đồng tình là ở Khoản 1 của Điều 60: Người lao động... có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại Khoản 3, Điều 54 của luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện...

Xét về lâu dài thì quy định này có lợi cho người lao động sau khi đã hết tuổi lao động. Và trong thực tế cuộc sống ai cũng muốn được lãnh lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện chờ đến tuổi nghỉ hưu, mà nhiều người có nhiều khó khăn, nhiều việc cấp thiết phải giải quyết với số tiền lớn. Do đó, họ có nhu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần để lo cho cuộc sống trước mắt. Xuất phát từ thực tế trên, Chính phủ đã đồng ý trình Quốc hội sửa lại nội dung của Điều 60.

Như vậy là những quy định trong điều này vừa mới được thông qua đã phải sửa đổi, bổ sung. Điều này chứng minh rằng công tác xây dựng pháp luật ở nước ta hiện nay còn nhiều bất cập, chưa sát thực tế. Vì vậy, rất mong các cơ quan soạn thảo cần đầu tư nghiên cứu kỹ để kéo dài tuổi thọ của các bộ luật.

D.V

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu