Thứ 7, 20/04/2024 13:58:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:29, 26/07/2018 GMT+7

Đến lúc cần bỏ kỳ thi THPT quốc gia

Thứ 5, 26/07/2018 | 08:29:00 112 lượt xem

BP - Ngày 23-7, tổ công tác của Bộ GD-ĐT và Bộ Công an đã họp báo công bố kết quả xác minh dấu hiệu bất thường điểm thi THPT quốc gia ở tỉnh Sơn La. Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia ở Sơn La có 6 nhóm sai phạm rất nghiêm trọng, gồm sao dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm không đúng thẩm quyền, tự ý đem ra khỏi khu vực bảo quản bài thi; phòng lưu giữ bài thi, tài liệu thi không có niêm phong, tài liệu thi và các thùng đựng phiếu trả lời trắc nghiệm niêm phong không đúng quy định; quy trình chấm thi trắc nghiệm không đúng quy định; máy tính dùng chấm thi không niêm phong; bài thi trắc nghiệm của thí sinh có dấu hiệu bị sửa chữa; bàn giao bài thi không đảm bảo quy định. Đặc biệt, qua kiểm tra sơ bộ 110 bài thi Ngữ văn, phát hiện có 12 bài chấm cao hơn từ 1 đến 4,5 điểm...

Chưa biết trường hợp ở Sơn La sẽ đi tới đâu. Nhưng đến lúc này, với những sai phạm tày đình như vậy, một Hà Giang thứ hai đã dần lộ diện. Thậm chí, dường như ở Sơn La có tính chất còn nghiêm trọng hơn khi việc thực hiện các quy định bắt buộc của kỳ thi THPT quốc gia ở đây như một trò đùa.

Có quá nhiều vấn đề đặt ra từ câu chuyện này. Đó là ngoài Hà Giang, Sơn La điểm cao bất thường, còn địa phương nào như vậy nữa, nếu chỉ gian lận 1-2 điểm/môn có bị nghi ngờ và phát hiện? Vết nhơ trong tâm hồn hàng trăm học sinh sẽ theo các em đến khi nào? Niềm tin của xã hội, đặc biệt là niềm tin của thế hệ trẻ với gần 1 triệu học sinh vừa thi năm nay và những kỳ thi các năm trước có còn trọn vẹn? Ở góc độ giáo dục, đó là tấm gương xấu xây dựng nhân cách từ sự giả dối, là tiếp tay cho những “hiền tài” dỏm, là gieo những hạt giống lép cho tương lai... Với người lớn, chiếu theo chế độ thi cử thời phong kiến, tội này nặng lắm, có khi bị chém đầu. Với con trẻ, thời xưa chắc chắn không được bén mảng đến trường thi nữa, quy chế ngày nay sử dụng tài liệu trong phòng thi đã bị lập biên bản đình chỉ thì trường hợp này xử lý như thế nào mới đúng đắn?... Nhiều lắm, nhưng xin gác những chuyện này sang một bên. Một câu hỏi được đặt ra: Có nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nữa hay không?

Ngày 12-7, Bộ GD-ĐT công bố tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2018 là 97,57%, trong đó giáo dục THPT đạt 98,36%, giáo dục thường xuyên 88,37%. Năm 2017, sở GD-ĐT các tỉnh, thành công bố tỷ lệ tốt nghiệp THPT của địa phương mình và rất hiếm dưới 95%, hầu hết 97-99%. Năm 2016, 2015 một vài tỉnh dưới 90%, còn lại phần lớn trên 95%. 2014 - năm cuối thi tốt nghiệp THPT riêng và song hành kỳ thi tuyển sinh đại học có tỷ lệ tốt nghiệp 99,09%...

Có thể thấy, với tỷ lệ đậu - trượt như vậy, không cần thiết phải tổ chức một kỳ thi tốn kém tiền bạc và công sức của biết bao người, mà chỉ cần nâng cao chất lượng đánh giá học sinh lớp 12 là đủ. Việc tuyển sinh giao cho trường đại học tự chủ tuyển chọn người để đào tạo. Khi ấy yếu tố “địa phương” như gian lận, phao thi, móc ngoặc cho con em, cho học trò... sẽ không ảnh hưởng đến tuyển sinh được nữa. Bên cạnh đó, ngoài một số trường đặc thù những năm qua luôn phải tổ chức thêm kỳ thi năng khiếu để tuyển sinh như Đại học sân khấu điện ảnh, Học viện báo chí và tuyên truyền, Đại học kiến trúc, Học viện âm nhạc... các trường đại học khác cũng có tiêu chí đào tạo, yêu cầu “đầu ra” khác nhau nên tuyển sinh “đầu vào” cũng cần khác nhau, không thể cào bằng, thi chung đề như hiện nay. Sau 4 năm thử nghiệm với bao loay hoay, khiếm khuyết, sai phạm nghiêm trọng, có lẽ đến lúc bỏ kỳ thi THPT quốc gia được rồi.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu