Thứ 5, 25/04/2024 02:42:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:54, 25/01/2018 GMT+7

Đi trước thời đại

Thứ 5, 25/01/2018 | 14:54:00 403 lượt xem
BP - Trong lịch sử phong kiến Việt Nam có nhiều cuộc cải cách, đổi mới, nhưng “cải cách tài chính” thì chỉ có một, đó là cải cách của chúa Trịnh Cương. Trịnh Cương lên ngôi chúa năm 1709. Vừa lên ngôi, ông đã quan tâm ngay tới việc “đổi mới” trong quản lý nhà nước về tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Riêng về đổi mới trong kinh tế - tài chính, chúa Trịnh Cương đã lấy cải cách tài chính làm trọng tâm, thực hiện từ tháng 6-1716.

Trịnh Cương kế vị ngôi chúa khi đất nước vừa mới hưu chiến, hậu quả chiến tranh còn nặng nề. Gần 150 năm nội chiến (đàng Trong - đàng Ngoài) đã làm nền nông nghiệp sa sút, đê điều ít tu bổ, thiên tai, sâu, bệnh phá hoại mùa màng luôn xảy ra, đói khổ triền miên, nông dân phiêu tán... Sử cũ chép rằng, từ năm 1703-1707, tai họa, hạn hán và đói kém xảy ra, nhân dân phần nhiều phiêu tán, triều đình đã nhiều lần thi hành lệnh ân xá rộng rãi, nhưng nhân dân các làng xóm vẫn chưa trở về đông đủ... Trước năm 1711, việc đốc thúc dân đắp đê, giao quyền cho viên quan ở trấn, phần nhiều chỉ làm cẩu thả cho xong việc, nên mỗi năm đến mùa nước lớn, đê lại vỡ lở, dân vùng ven sông luôn luôn bị thiệt hại...

Năm 1712, từ tháng 6 đến tháng 12, trời không mưa, dân bị đói to. Năm 1713, tháng giêng, mùa xuân... giá thóc gạo cao vọt, người dân chết đói đầy đường. Tháng 7, mùa thu lại mưa dầm dề không ngớt, nước các sông tràn ngập, vỡ đê các trấn Sơn Tây, Sơn Nam, Thanh Hoa, mấy vạn nhà bị nước cuốn trôi, nhân dân bị đói...

 

 

Sau khi lên ngôi chúa, năm 1709, Trịnh Cương đã thực hiện ngay một số “biến pháp” nhằm “đổi mới xã hội”, ổn định tình hình, cụ thể: Kỷ cương, phép nước không được tôn trọng, đã “ban hành 6 giáo điều”. Việc tu bổ đê điều bị trễ nải, “đã sai quan trong kinh đi đôn đốc việc đắp đê”. Việc thi cử không được nghiêm, đã bắt đầu “chỉnh đốn lại thể thức văn bài trong khoa thi Hương”. Việc trị nhậm của quan chức các tỉnh biên cương bị trễ nải, đã “hạ lệnh cho các quan trấn thủ ở biên giới phải đến đóng trấn, ti”. Ngục tù đầy chật phạm nhân, đã phải “tha các tù tội nhẹ đang bị giam giữ”. Thuế má không tận thu vì dân thiếu đói, đã “hoãn thu các thứ thuế bị bỏ thiếu đã lâu”, “giảm một nửa thuế tuần ti và bến đò”. Phu sai tạp dịch quá nhiều, đã phải “đình hoãn việc bắt phu làm việc”... Đói kém triền miên, đã “phát chẩn và cấp đỡ cho dân”. Thưởng, phạt chưa công minh, đã “định lệ cứ 3 năm khảo công một lần để định việc thưởng phạt”. Việc bang giao với Trung Quốc còn có nhiều phiền hà, đã “liệu lượng giảm bớt”...

Đặc biệt có hai “biến pháp” lớn trong quản lý kinh tế biểu hiện yêu cầu giải quyết mâu thuẫn trong quan hệ sản xuất - mâu thuẫn giữa công hữu mà Nhà nước vẫn phải dựa vào, với xu thế tư hữu hóa ruộng đất ngày càng tăng: Một là định lại thể lệ quân cấp đất công. Niên hạn quân cấp cứ 6 năm 1 lần,... Người được hưởng phần ruộng, từ quan viên đến người quan, quả, cô, độc và phế tật đều được tùy theo suất số mà liệu lượng cấp cho phần ruộng. Người nào đã có dân lộc, điền lộc hoặc ruộng của mình hoặc ruộng của vợ ngang với số khẩu phần quân cấp thì không được dự phần cấp nữa. Những ruộng ẩn lậu còn ở ngoài sổ điền vẫn được miễn thuế, cũng đem quân cấp cho dân. Ruộng công đất bãi không được phép mua bán... Thuộc viên ở các nha môn và binh lính tuy có ngụ lộc và điền lộc rồi vẫn có thể được cấp ruộng khẩu phần chứ không bị xếp vào loại thôi cấp... Các viên chức có phẩm hàm dù là cửu phẩm - tức hàm thấp nhất, đều được cấp từ 9 phần trở lên. Cứ phẩm hàm cao hơn một bậc thì được tăng nửa phần ruộng. Viên chức chưa có phẩm hàm được cấp 8 phần rưỡi trở xuống cho đến 4 phần rưỡi.

Hai là, cấm quan viên thiện tiện lập trang trại, khuyến khích phiêu tán khẩn hoang: Những nhà quyền quý thế hào, phần nhiều nhận ruộng đất của mình ở đâu thiện tiện lập trang trại ở đấy, rồi chiêu tập người trốn tránh, cho họ nấp bóng để vơ vét mối lợi, vì thế mà dân đã nhiều người phiêu tán... Nay nghiêm cấm, người nào trái lệnh sẽ bị tội nặng. Những người phiêu lưu trú ngụ ở xã khác, khai khẩn nhờ vào đất hoang xã ấy, hiện đã dựng thành cơ nghiệp, thì chỗ đất khai khẩn ấy xét định cho làm thổ, để họ được yên nghiệp sinh nhai...

Lời bàn:

Trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí” có đoạn viết về chúa Trịnh Cương như sau: Trong khi chúa giữ chính, chăm chỉ lo toan trị nước, cùng với các tể tướng ngày đêm trù tính. Phàm việc binh, dân, tiền của, thuế khóa đặt ra rõ ràng đầy đủ. Và với việc nghiêm cấm tình trạng lấn chiếm trái phép để thu hồi ruộng công nhưng lại cho dân phiêu lưu trú ngụ khẩn hoang, đây là giải pháp mà chúa Trịnh Cương áp dụng nhằm tăng cường tư hữu nhỏ trong nông dân. Đồng thời, ông cũng lại cho phép nếu khi có việc “do quan dịch nặng nề, bức bách” không thể có cách gì cứu vãn được thì cho phép bán ruộng công khẩu phần... Việc làm này cũng có nghĩa là mở rộng cửa cho sự tấn công của chế độ sở hữu tư nhân vào ruộng đất công.

Có thể nói, hai “biến pháp” đã nêu đều nhằm tạo ra thuận lợi cho sự phát triển tư hữu và kinh tế hàng hóa - tiền tệ. Và sau 7 năm thi hành hai “biến pháp” này đã giúp người dân trăm họ có cuộc sống ổn định. Và không phải chỉ có các sử gia đương thời, mà cả hậu thế ngày nay đều có chung nhận định là những cải cách của chúa Trịnh Cương là tư duy đi trước thời đại. Thế mới hay rằng, mọi cải cách, đổi mới mà không xuất phát từ thực tiễn và mục đích cuối cùng không phải vì người dân và lợi ích quốc gia thì khó có thể thành công.

N.D

  • Từ khóa
110010

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu