Thứ 6, 29/03/2024 06:14:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 10:07, 15/12/2015 GMT+7

Địa danh lịch sử cụm Ba Hòn Kiên Giang

Thứ 3, 15/12/2015 | 10:07:00 5,699 lượt xem
BP - Vùng biển Kiên Giang là cửa ngõ ở phía tây nam thông ra vịnh Thái Lan, có tiềm năng lớn về kinh tế cửa khẩu, hàng hải và mậu dịch quốc tế. Đặc biệt, Kiên Giang có nhiều đảo và quần đảo nằm ở vị trí chiến lược quan trọng mà chúng tôi đã giới thiệu trong các bài trước. Trong danh sách các đảo của Kiên Giang, Hòn Quéo xếp sau cùng và nằm trong cụm Ba Hòn (Hòn Đất, Hòn Me, Hòn Quéo) sát nhau trên dải đất liền gần bờ biển.

Địa danh Ba Hòn không chỉ có danh thắng của biển, liền kề với núi đồi, nằm trên đồng bằng phì nhiêu mà còn gắn với tên tuổi nữ Anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sĩ Phan Thị Ràng đã đi vào lịch sử dân tộc. Đó là nhân vật được nhà văn Anh Đức miêu tả qua tác phẩm văn học nổi tiếng “Hòn Đất” với tên là Chị Sứ. Toàn khu vực Ba Hòn có hàng chục hang lớn nhỏ (còn gọi là lò ảng). Các hang này đều do những tảng đá tự nhiên ghép lại chồng lên nhau, tạo ra hệ thống hang liên thông rất hiểm trở. Trong các cuộc chiến tranh, nơi đây được chọn là trạm dừng chân dưỡng quân, điểm tiếp đón cán bộ cách mạng từ Trung ương vào để kết nối với tuyến đường 1C từ Campuchia và kênh Vĩnh Tế về đến căn cứ rừng U Minh. Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xứ hang hòn nhỏ bé này đã hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn, chất hóa học khai quang của quân địch. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện Hòn Đất đã anh dũng đánh trả hơn 300 cuộc càn quét quy mô lớn của Mỹ - ngụy.

Khu di tích Ba Hòn thuộc địa bàn xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1989. Nằm trong khuôn viên rộng 22.000m2 dưới chân Hòn Me là khu trưng bày chứng tích chiến tranh với các hiện vật như xác máy bay A.37, trực thăng, xe tăng M.47, pháo 105 ly, vỏ bom, súng cối và các loại khí tài, quân dụng khác mà kẻ địch đã sử dụng tại vùng đất Ba Hòn. Năm 2011, khu trưng bày tiếp nhận từ đảo Trường Sa đá chủ quyền và cây bàng trái vuông. Cây bàng đã được trồng tại đỉnh Hòn Me, nhanh chóng bén đất và phát triển xanh tốt. Trên đỉnh Hòn Me còn có một phiên bản cột mốc chủ quyền của quần đảo Trường Sa do Bộ tư lệnh Hải quân thiết kế, xây dựng. Lưng chừng núi Hòn Me hiện nay có một trạm cứu hộ động vật hoang dã với diện tích gần 3 ha. Tại đây, các loài động vật quý hiếm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long được Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã (WAR) chăm sóc, phục hồi sức khỏe chức năng bẩm sinh để trả về với thiên nhiên.

Hòn Quéo là một trong những danh thắng đẹp, có tiềm năng du lịch của xã Thổ Sơn. Tuy là hòn nhỏ nhất trong ba hòn nhưng Hòn Quéo có vị trí đẹp, nằm vươn mình nhô ra biển, 4 bề lộng gió. Chính giữa Hòn Quéo là ngôi chùa Kỳ Viên Tự (chùa Hòn Quéo). Hằng ngày, chùa đón hàng trăm du khách đến tham quan, cúng viếng tâm linh. Trên đường từ Hòn Me qua Hòn Quéo nơi cửa biển, qua những thôn, sóc thanh bình của người dân Khơme hiền hòa chất phác. Nơi đây có nhiều làng nghề truyền thống như đan đệm lát, làm nồi đất thủ công, xóm đánh lưới ghẹ, ghe câu cá biển gần bờ... Đến đây chúng ta được thưởng thức những loại hải sản như ghẹ tươi sống, tôm tít, nghêu sò, cá tươi... của ngư dân ngay cửa biển và ngắm những con thuyền nhỏ chuẩn bị vượt sóng ra khơi tại bến tàu Hòn Quéo.

Thời gian vừa qua, tỉnh Kiên Giang đã đầu tư tôn tạo và mở rộng trên 5 ha khu di tích dưới chân Hòn Đất, với tổng kinh phí trên 14 tỷ đồng. Khu di tích gồm nhà tưởng niệm, khu trưng bày, tượng đài chiến thắng, sân bãi, đường vòng... tạo thành một quần thể di tích nơi vùng đất lịch sử. Hằng năm vào ngày 9-1 âm lịch, hàng chục ngàn người từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh Kiên Giang lại về đây dự lễ, cúng viếng nhân dịp giỗ Chị Sứ. Ngày này cũng đã trở thành mùa lễ hội với những sinh hoạt văn hóa cộng đồng, cùng với hoạt động thể thao, giải trí và du lịch của người dân Hòn Đất.

 Đức Hồng

  • Từ khóa
88017

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu