Thứ 5, 28/03/2024 21:03:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:01, 30/07/2016 GMT+7

Dịch vụ ăn theo bệnh bạch hầu - Bài 1

Thứ 7, 30/07/2016 | 06:01:00 399 lượt xem

QUẦY THUỐC NÀO CŨNG… “PHÒNG TRỊ BẠCH HẦU”

BP - Thời gian qua, bệnh bạch hầu đã xuất hiện tại 4 xã Thuận Phú, Thuận Lợi, Đồng Tiến, Tân Lợi của huyện Đồng Phú làm tử vong 3 người và hàng chục người phải nhập viện. Đến nay, chỉ còn 16 trường hợp điều trị tại bệnh viện và bệnh bạch hầu đã được khống chế, hiện không phát sinh bệnh nhân mới. Tuy vậy, nỗi lo bệnh bạch hầu có thể “gõ cửa” bất kỳ lúc nào khiến nhiều người đổ xô đến các tiệm thuốc tây mua thuốc về uống để... phòng bệnh. Dịch vụ “ăn theo” bệnh bạch hầu có dịp phát triển.

NHÂN VIÊN BÁN THUỐC THÀNH “BÁC SĨ”

Hầu hết quầy thuốc tây lớn, nhỏ trên các trục đường Hùng Vương, Phú Riềng Đỏ, quốc lộ 14, Điểu Ong (Đồng Xoài), nhân viên đều sẵn sàng bán thuốc phòng trị bệnh bạch hầu dù không có chỉ định của bác sĩ. Ngạc nhiên hơn, người mua chỉ cần kể một vài triệu chứng của bệnh nhân là đã xong các thủ tục khám, chẩn đoán bệnh, việc còn lại các dược sĩ trung học vô tư bán thuốc trị bệnh.

Quầy thuốc tây bán thuốc Erythromyxin 500mg có công dụng điều trị bệnh bạch hầu, Omeprazole 20mg có công dụng điều trị bệnh về dạ dày cho người dân phòng ngừa bệnh bạch hầu mà không cần đơn thuốc của bác sĩ (ảnh lớn). Thuốc do quầy thuốc tây H.L (Đồng Xoài) bán phòng ngừa bệnh bạch hầu không cần đơn thuốc (ảnh nhỏ)Quầy thuốc tây bán thuốc Erythromyxin 500mg có công dụng điều trị bệnh bạch hầu, Omeprazole 20mg có công dụng điều trị bệnh về dạ dày cho người dân phòng ngừa bệnh bạch hầu mà không cần đơn thuốc của bác sĩ (ảnh lớn). Thuốc do quầy thuốc tây H.L (Đồng Xoài) bán phòng ngừa bệnh bạch hầu không cần đơn thuốc (ảnh nhỏ)

Trong vai người đi tìm mua thuốc ngừa bệnh bạch hầu, chúng tôi đến quầy thuốc tây H.L ở đường Điểu Ong. Người bán sau khi biết tôi ở thị xã Đồng Xoài liền nói: “Không nằm trong vùng dịch, mỗi người uống 7 ngày thuốc là phòng ngừa được rồi”. Sau khi đưa cho tôi bọc thuốc gồm 14 viên Erythromyxin 500mg và 14 viên Omeprazole 20mg với giá 45 ngàn đồng, dặn 1 ngày uống hai lần, mỗi lần uống mỗi thứ 1 viên, cô bán thuốc nhanh chóng quay sang bán cho những người khác. Trong số 5 người đứng chờ, có 3 người mua thuốc ngừa bạch hầu, 1 người đọc tên thuốc để mua, người còn lại kể triệu chứng bệnh để lấy thuốc, không một ai cầm theo đơn của bác sĩ. Một người phụ giúp bán thuốc trong quầy H.L cho biết: Từ khi có dịch bạch hầu, ngày nào ít nhất cũng 40 người đến mua thuốc phòng bệnh, mấy ngày đầu lên đến cả trăm người.

Tại quầy thuốc tây T.T gần ngã tư Đồng Xoài (quốc lộ 14), tôi gặp ông Nguyễn Văn Thanh (phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài) đến mua thuốc ngừa bạch hầu cho 17 người hết 2 triệu 856 ngàn đồng. Ông Thanh nói mua cho 3 người thân trong gia đình, còn lại là hàng xóm gửi.

Đặc biệt, trên trang facebook cá nhân, 1 phòng khám trên địa bàn thị xã Đồng Xoài thông báo: “PKĐK... đã có vắc-xin PENTAXIM (5 trong 1) tiêm ngừa. Giá tiêm Pentaxim: 750 ngàn đồng/liều (đã bao gồm công khám, công tiêm, theo dõi sau tiêm...). Để đảm bảo miễn dịch cộng đồng cao, kính mong quý phụ huynh tiếp tục đưa con/em đến tiêm chủng vắc-xin của chương trình tiêm chủng mở rộng đúng lịch, đủ liều”.

MUA THUỐC NÀY... CHỮA BỆNH KHÁC

Trừ trẻ em dưới 6 tuổi, nhiều hộ dân vì quá lo lắng dịch bệnh bạch hầu đã vội mua thuốc cho tất cả thành viên trong gia đình uống. Các quầy thuốc tây và cơ sở y tế tư nhân không có dịch vụ tiêm chủng thường tư vấn khách hàng chỉ cần uống 7 ngày thuốc là phòng ngừa được bệnh bạch hầu.

Nhiều tiệm thuốc tây trên địa bàn thị xã Đồng Xoài bán thuốc phòng, trị bệnh bạch hầu. Trong ảnh, các cửa hàng bán thuốc tây ở ngã tư Đồng Xoài - Ảnh: K.BNhiều tiệm thuốc tây trên địa bàn thị xã Đồng Xoài bán thuốc phòng, trị bệnh bạch hầu. Trong ảnh, các cửa hàng bán thuốc tây ở ngã tư Đồng Xoài - Ảnh: K.B

Bác sĩ Ngô Văn Kiên, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: Bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh dự phòng đối với những người sống trong vùng có yếu tố dịch tễ, nguy cơ mắc bạch hầu cao như: Đã từng tiếp xúc lần cuối với người mắc bệnh bạch hầu trong 14 ngày gồm ở chung nhà, ở chung phòng, đến thăm người bệnh, nhân viên chăm sóc bệnh nhân bạch hầu dương tính. Còn những đối tượng khác không cần thiết uống thuốc kháng sinh và nếu có uống cũng không có giá trị phòng ngừa. Bởi lẽ, dù uống đúng kháng sinh ngừa bạch hầu vẫn chỉ có khả năng diệt vi khuẩn trong những ngày uống thuốc nhưng không đủ hàm lượng kháng thể kháng độc tố bạch hầu trong máu. Uống thuốc thường kết hợp tiêm ngừa vì sau tiêm ngừa 2 tuần thuốc tiêm mới có tác dụng.

Sau khi xem xét các bịch thuốc do chúng tôi mua từ một số quầy thuốc tây trên địa bàn thị xã Đồng Xoài, bác sĩ Kiên nhận định: Bịch thuốc có 2 loại gồm Erythromyxin 500mg và Omeprazole 20mg, trong đó Erythromyxin 500mg là thuốc điều trị bệnh bạch hầu, Omeprazole 20mg điều trị đau dạ dày. Riêng Hasanclar 500mg (Clarithromycin 500mg) là một trong những loại thuốc có tác dụng diệt vi khuẩn bạch hầu trong thử nghiệm. Thực tế, đây là kháng sinh điều trị vi khuẩn ở dạ dày, loét dạ dày và các bệnh liên quan hô hấp... Hiện trên địa bàn tỉnh sử dụng 2 loại thuốc trong điều trị bạch hầu gồm: Erythromyxin và Penicilin. Hai nhóm thuốc từng thử nghiệm và diệt được vi khuẩn bạch hầu ở môi trường phòng thí nghiệm là nhóm Quinolon (gồm: Gloxacie, Lefofloxaien...) và nhóm Macrolie (gồm: Clarithromycin, Azithromgie...). Khi sử dụng các loại kháng sinh điều trị bạch hầu phải có chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân phải được theo dõi trong quá trình điều trị.

Tuyết Ly

  • Từ khóa
93014

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu