Thứ 5, 28/03/2024 23:36:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:47, 03/08/2017 GMT+7

Điểm 10, đêm hè và đêm giao thừa

Thứ 5, 03/08/2017 | 08:47:00 100 lượt xem
BP - Ngày 31-7, hầu hết các trường đại học trên cả nước đã hoàn tất công bố điểm chuẩn tuyển sinh năm 2017. Trong số đó, một số ngành của một số trường có điểm chuẩn trên 30, như: ngành Ngôn ngữ Anh của Học viện Công an nhân dân điểm chuẩn 30,5 dành cho thí sinh nữ khối D0; điểm chuẩn khối A, thí sinh nữ phía Bắc của Đại học Phòng cháy chữa cháy 30,25...

Như vậy, cho dù đạt điểm tuyệt đối 10/10 cả 3 môn thi, vẫn có thí sinh bị trượt đại học. Để trúng tuyển vào những ngành này, ngoài đạt điểm tuyệt đối, thí sinh còn phải có điểm ưu tiên, như khu vực đăng ký dự thi, đối tượng chính sách... Điều đó đồng nghĩa với việc nếu thí sinh ở nội ô các thành phố lớn (khu vực 3) và không thuộc diện chính sách, để đậu ngành và trường mình yêu thích chỉ còn cách... được tuyển thẳng (đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế đúng môn nhà trường cần tuyển). Bên cạnh đó, rất nhiều ngành của nhiều trường lấy điểm chuẩn từ 29-30, như Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Quân y, Học viện Khoa học quân sự, Học viện An ninh nhân dân, Học viện Chính trị Công an nhân dân, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Đại học Y Hà Nội... Mức điểm chuẩn ấy, chỉ cần một trong 3 bài thi đạt dưới 9 điểm, cho dù 8,9 điểm, cũng cầm chắc vé “trượt đại học”. Với điểm chuẩn “trên trời” như vậy, những năm qua, nhiều học sinh mặc dù xuất sắc vẫn phải chia tay ước mơ cháy bỏng của mình khi ngồi trên ghế nhà trường.

Trong phạm vi hẹp, đạt điểm tuyệt đối hoặc xấp xỉ tuyệt đối mà vẫn trượt đại học sẽ khiến nhiều học sinh xuất sắc bị mất phương hướng, mất niềm tin vào chính mình. Đơn giản là bởi các em đã nỗ lực học tập và đạt được kết quả tối đa hoặc chạm ngưỡng tối đa vẫn không có cơ hội thực hiện ước mơ. Các em phải bước sang một ngã rẽ khác để tìm kiếm công việc mới trong tương lai. Đây là một mất mát vô cùng lớn của một nền giáo dục - đào tạo với hệ quả là có thể biến nhiều viên ngọc thô trở thành những viên đá bình thường.

Ở góc độ khác, chuẩn tuyển sinh cao như vậy cho thấy hệ thống thi cử đã đem đến điểm 10 cho thí sinh một cách khá dễ dàng. Việc này cũng dẫn tới hệ quả học sinh không biết rõ năng lực thực sự của mình ở mức độ nào. Bên cạnh những thí sinh “tỉnh táo” nhận ra điểm 10 đó chưa phản ánh hết năng lực của mình cũng như những bạn thi trượt, nhưng cũng có nhiều em lại ngộ nhận về “sức mạnh” của bản thân, cho rằng mình đã tài năng, dẫn tới sự tự mãn, chủ quan và hệ quả rất ít em sau đó thật sự thành tài...

Hiếu học là một truyền thống quý báu của người Việt Nam từ ngàn đời nay. Chúng ta có rất nhiều “điểm 10” ở bậc học “măng non”, ở đầu vào. Nhưng một thực tế không thể phủ nhận là những thành tựu khoa học kết tinh từ tri thức tích lũy được, những “điểm 10” đầu ra trong đào tạo của Việt Nam còn rất khiêm tốn, thậm chí có thể nói là quá ít so với thế giới cũng như so với chính truyền thống hiếu học của chúng ta.

Tuyển sinh đại học là bài toán có quá nhiều bất cập. Khoảng 20 năm qua, những bất cập này không ngừng được ngành giáo dục - đào tạo cải tiến, thay đổi. Kỳ thi THPT quốc gia 2017 được xem là đã khắc phục được rất nhiều khiếm khuyết so với những kỳ thi trước đó. Thế nhưng, quy chế tuyển sinh năm 2017 chắc chắn phải tiếp tục được sửa đổi, nếu không sẽ vẫn diễn ra tình trạng điểm 10 - những ngôi sao trong bầu trời tri thức - đầu vào nhiều như giữa đêm hè, còn đầu ra thì hiếm hoi như đêm giao thừa vậy!

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu