Thứ 6, 29/03/2024 00:14:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:10, 24/04/2013 GMT+7

Hà Nội dành 13.000 tỷ đồng xử lý ô nhiễm làng nghề

Thứ 4, 24/04/2013 | 14:10:00 536 lượt xem


Ảnh TTXVN

Trước tình hình dân số nhập cư gia tăng vào Hà Nội, cũng như các làng nghề phát triển nhanh chóng, vấn đề môi trường đang được đặt ra hết sức cấp bách. Vì vậy, Hà Nội xây dựng chiến lược và quy hoạch các vùng làng nghề cần quan tâm bảo vệ môi trường, nhất là các làng nghề vùng nội thành và đông dân cư sinh sống.

Hà Nội sẽ đầu tư trên 13.000 tỷ đồng xử lý ô nhiễm ở 44 làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, trong đó chủ yếu đầu tư tập trung trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Bên cạnh việc đầu tư bằng kinh phí Nhà nước, Hà Nội khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, khơi dậy phong trào và vận động người dân tham gia xây dựng các công trình nhà vệ sinh. Đối với khu vực nông thôn, nông dân cần đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, tránh gây ô nhiễm môi trường; còn các hộ gia đình cần kết hợp xây dựng chuồng trại chăn nuôi với nhà vệ sinh và hầm khí Biogas.

Thành phố cũng khoanh vùng quản lý về thu gom rác thải sinh hoạt nông thôn, tránh tình trạng rác thải xả tràn lan ra môi trường công cộng, thiếu sự kiểm soát và không ai chịu trách nhiệm. Hà Nội quy định các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm sẽ xả rác ở vùng I (khu vực phía Bắc); các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hoà, Mỹ Đức, Phú Xuyên xả vùng II (khu vực phía Nam); các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ thải rác ở vùng III (khu vực phía Tây) và khu vực ngoài thị thị xã Sơn Tây.

Đối với hộ gia đình cần ý thức tự thu gom, phân loại, xử lý tại chỗ; chất thải hữu cơ ủ làm phân bón; chất thải rắn tự thu gom đổ ra bãi tập trung của địa phương để vận chuyển xử lý tại khu xử lý rác tập trung. Các đơn vị hành chính tập trung thì áp dụng phương pháp thu gom, vận chuyển và công nghệ xử lý chất thải rắn với quy mô phù hợp.

Đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu tất cả các cơ sở công cộng có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm bị ô nhiễm được xử lý chất thải. Thành phố đề ra nhiệm vụ, giải pháp từ nay đến năm 2020, các cấp cần đẩy nhanh nâng cấp, cải tạo các công trình cấp nước tập trung kém hiệu quả hoặc chưa hoạt động; xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung quy mô xã, liên xã; nối mạng, mở rộng mạng từ nguồn nước đô thị, từ công trình cấp nước tập trung nông thôn và hỗ trợ các trang thiết bị xử lý nước nhỏ lẻ hộ gia đình, cấp nước cho nhân dân.

(Theo TTXVN)

  • Từ khóa
46442

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu