Thứ 3, 23/04/2024 21:28:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:58, 21/07/2016 GMT+7

Điểm sáng xây dựng NTM ở Đức Liễu

Thứ 5, 21/07/2016 | 15:58:00 190 lượt xem

BP - Thôn 3, xã Đức Liễu (Bù Đăng) có diện tích tự nhiên 1.150 ha. Riêng diện tích cây trồng 643 ha, trong đó có 223,9 ha điều, 250 ha cao su, 160 ha cà phê, còn lại là tiêu và các loại cây ăn trái. Thôn phó Nguyễn Hữu Tình cho biết: Để vườn cây phát triển bền vững, tạo nguồn thu ổn định, người dân thường áp dụng mô hình trồng đa cây, tận dụng tối đa diện tích đất trống theo hình thức trồng xen dưới tán điều, trong vườn cao su chưa khép tán hay chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới tán cây. Cách làm này vừa tiết kiệm tối đa diện tích đất canh tác vừa bổ trợ dinh dưỡng và giữ ẩm cho cây trồng, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi theo hướng đa dạng hóa. Đồng thời, giảm thiệt hại về cây trồng cho nông dân trong đợt hạn hán kéo dài vừa qua.

Người dân thôn 3 chủ động phá bỏ công trình xây dựng trên hành lang tuyến đường chạy dọc thônNgười dân thôn 3 chủ động phá bỏ công trình xây dựng trên hành lang tuyến đường chạy dọc thôn

Ban điều hành thôn còn phối hợp với Hội Nông dân xã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây trồng - vật nuôi cho nông dân. Năm 2014, Phòng Nông nghiệp huyện thực hiện thí điểm tại thôn 3 hai mô hình cải tạo vườn cà phê cho nông dân học tập và hiện đều phát triển tốt. Là nông dân sản xuất giỏi của xã, ông Châu Văn Chuất cho biết: Muốn làm giàu phải chịu khó học tập kinh nghiệm sản xuất và mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhận thấy điều kiện đất đai ở đây phù hợp với cây tiêu nên năm 2015 gia đình tôi chặt bỏ 2 ha cao su trồng từ năm 1990 cho năng suất thấp để trồng tiêu. Hiện vườn tiêu 1 năm phát triển rất tốt, dự kiến năm tới sẽ cho trái bói. Năm nay, tuy chỉ còn 2 ha cao su đang khai thác và gần 2 ha tiêu 2 năm mới cho trái bói nhưng gia đình tôi vẫn thu gần 200 triệu đồng từ bán mủ và dây tiêu giống.

Ông Nguyễn Văn Minh - chủ hộ thoát nghèo năm 2014 cho biết: Trước đây các con còn nhỏ, đất sản xuất không có, vợ chồng phải đi làm thuê quanh năm nên cuộc sống của gia đình luôn thiếu trước hụt sau. Được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, vốn xóa đói giảm nghèo, tôi có điều kiện sửa chữa nhà ở và mua sắm các vật dụng cần thiết phục vụ cuộc sống. Giờ các con đã lớn, lại biết phụ giúp cha mẹ kiếm thêm thu nhập nên cuộc sống ổn định.

Người dân trong thôn cũng rất ý thức bảo vệ môi trường. Ngoài tổ chức dọn vệ sinh, phát quang cỏ dại 2 bên đường, mỗi gia đình còn tự đào hố chứa rác thải sinh hoạt. Thôn còn duy trì các cụm loa phát thanh để đưa thông tin kịp thời đến người dân; tổ chức thăm, tặng quà tân binh lên đường bảo vệ Tổ quốc; vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ không sinh con thứ 3... Ông Hồ Văn Sinh, Trưởng thôn 3 chia sẻ: Muốn thành công trong xây dựng nông thôn mới, cán bộ cơ sở phải gần dân, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của dân và nói phải đi đôi với làm thì dân mới hiểu, mới tin. Nhất là phải quản lý chặt chẽ các công trình do nhân dân đóng góp, bảo đảm công khai minh bạch, tiết kiệm nhưng vẫn mang lại hiệu quả. 

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh thôn, ông Nguyễn Hữu Tình cho hay: Hiện thôn còn vướng 3 tiêu chí là giao thông nông thôn, nhà văn hóa và hệ thống thủy lợi. Hầu hết tuyến đường xương cá trong thôn đều đã bê tông hóa. Riêng tuyến đường xâm nhập nhựa dài 3,2km chạy dọc thôn có tổng vốn đầu tư gần 6 tỷ đồng đang thực hiện. Theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ngoài hiến đất, cây trồng, đập bỏ các công trình xây dựng nằm trên hành lang tuyến đường, người dân trong thôn còn thống nhất đóng góp gần 1,2 tỷ đồng. Ban điều hành thôn đã thu được gần 700 triệu đồng. Những hộ còn lại do hoàn cảnh khó khăn đề nghị được đóng vào mùa thu hoạch điều, tiêu, cà phê... Dự kiến, tuyến đường hoàn thành vào ngày 30-4-2016 nhưng do Nhà nước mới đầu tư trên 500 triệu đồng dẫn đến chậm tiến độ. Hiện dự án mới chỉ nghiệm thu mặt bằng, trong khi thời điểm này mưa nhiều, nước chảy mạnh làm ảnh hưởng đến công trình.

Ông Tình cho biết thêm: Nhà văn hóa thôn đã có nhưng diện tích không đủ chuẩn và không thể mở rộng do không còn quỹ đất. Trong thôn có một trạm y tế cũ không sử dụng của Nông trường Nghĩa Trung (Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng) đang cho người dân thuê. Trạm có diện tích phù hợp để xây dựng nhà văn hóa thôn theo tiêu chí nông thôn mới nên chúng tôi đã kiến nghị UBND xã đề nghị nông trường xem xét hỗ trợ. Về thủy lợi, hiện nguồn nước phục vụ cây trồng của thôn chủ yếu dựa vào suối Đắk Răng. Mùa khô vừa qua, người dân phải đào hố dưới lòng suối và dùng máy bơm đưa nước về tưới tiêu. Để bảo đảm nguồn nước tưới, rất mong các ngành chức năng của tỉnh xem xét xây dựng ở đây một đập giữ nước.

 Lâm Phương

  • Từ khóa
53957

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu