Thứ 5, 25/04/2024 05:42:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:41, 15/07/2016 GMT+7

Điểm tựa của doanh nghiệp thời hội nhập - Bài 1

Thứ 6, 15/07/2016 | 07:41:00 184 lượt xem
BP - DNNVV đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh. Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập kinh tế hiện nay, họ đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế như tiếp cận thông tin, chính sách, cơ chế, vốn, thị trường, công nghệ, sự liên kết... Chính vì thế, Hiệp hội DNNVV tỉnh luôn nỗ lực trợ giúp hội viên phát triển ổn định và bền vững.

DIỆN MẠO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA

Với sự đa dạng về thành phần sở hữu, bao gồm công ty TNHH, cổ phần, liên doanh, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... DNNVV đã và đang góp phần quan trọng phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo và giải quyết nhiều vấn đề xã hội của tỉnh.

TĂNG MẠNH THEO HƯỚNG TỰ PHÁT

Sau gần 20 năm tái lập tỉnh, DNNVV có sự phát triển đáng kể cả về số lượng và tỷ trọng. Tuy nhiên, do quá trình phát triển nhanh và thiếu bền vững nên DNNVV hiện bộc lộ nhiều hạn chế về vốn, công nghệ, máy móc thiết bị, khả năng quản lý, năng lực cạnh tranh trên thị trường...

Hiệp hội DNNVV kêu gọi Ngân hàng Thương mại hỗ trợ vốn đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến. Trong ảnh: Cơ sở chế biến điều Công Hậu, xã Phước Minh (Bù Gia Mập)Hiệp hội DNNVV kêu gọi Ngân hàng Thương mại hỗ trợ vốn đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến. Trong ảnh: Cơ sở chế biến điều Công Hậu, xã Phước Minh (Bù Gia Mập)

Điều dễ thấy là DNNVV Bình Phước dễ khởi nghiệp, đa số gắn bó mật thiết với cây công nghiệp thế mạnh của tỉnh như: tiêu, điều, cà phê, cao su...; vốn đầu tư ban đầu không lớn; mặt bằng sản xuất nhỏ, quy mô nhà xưởng vừa phải, chủ yếu sẵn có từ gia đình. Theo đó, DNNVV phát triển rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, khai thác tiềm năng ở nhiều ngành nghề và tạo ra thị trường cạnh tranh lớn. Từ đó, Ban chấp hành Hiệp hội DNNVV tỉnh đã phân công cụ thể 3 thành viên phụ trách 3 lĩnh vực lớn là cao su, điều và dịch vụ.

Ông Võ Quang Thuận, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh nhận định: “Do quy mô nhỏ nên việc đầu tư công nghệ mới, hiện đại của DNNVV gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, thiếu vốn khiến DNNVV khó duy trì sản xuất, nắm bắt cơ hội kinh doanh và gặp nhiều rủi ro. Có nhiều doanh nghiệp tiềm năng nhưng khi không có khả năng hoàn trả các khoản nợ dẫn đến phá sản, trong khi chỉ cần đủ vốn đáo hạn thì một thời gian ngắn doanh nghiệp sẽ trả được nợ và phát triển. DNNVV hiện nay chủ yếu sơ chế, gia công nên giá trị sản phẩm thấp, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp lớn. Từ đó, DNNVV không thể chủ động trong sản xuất - kinh doanh”.

DNNVV góp phần giải quyết lao động dôi dư nông thôn. Trong ảnh: Công nhân của Công ty TNHH MTV Lữ Gia, xã Nghĩa Bình (Bù Đăng) phân loại điều nhân trắngDNNVV góp phần giải quyết lao động dôi dư nông thôn. Trong ảnh: Công nhân của Công ty TNHH MTV Lữ Gia, xã Nghĩa Bình (Bù Đăng) phân loại điều nhân trắng

Bên cạnh đó, DNNVV trên địa bàn tỉnh phần lớn sử dụng lao động phổ thông nên dễ tuyển dụng, lại trả công thấp. Nhưng kèm theo đó là lao động thường làm theo mùa vụ và thiếu tính kỷ luật nên nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu nhân công. Với “tầm” của mình, DNNVV vẫn chưa kiểm soát được những tiêu chuẩn liên quan đến chất lượng trước khi đưa vào sản xuất. Vì thế, trong quá trình sản xuất và bảo quản, DN khó tránh khỏi rủi ro liên quan đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

NHỮNG ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG

Với số lượng đông, DNNVV hiện tạo việc làm cho lực lượng lớn lao động không đòi hỏi phải có trình độ và kỹ thuật cao. Sự xuất hiện ngày càng nhiều DNNVV ở các vùng nông thôn góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi. Đây là tiền đề quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển đồng đều giữa các vùng, khu vực trong tỉnh.

Ở góc độ tạo việc làm mới, DNNVV luôn chiếm ưu thế. Bởi thực tế, với quy mô trung bình và nhỏ về vốn, các nhà đầu tư thường khởi nghiệp từ các ngành sử dụng nhiều lao động hơn là sử dụng nhiều vốn; đầu tư nơi làm việc thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp lớn. Triển vọng thu hút thêm lao động đối với DNNVV hiện vẫn rất lớn do chi phí hoạt động thấp. Đây cũng là nơi thuận lợi tiếp nhận số lao động ở nông thôn ra thành phố đang tăng lên mỗi năm và số lao động dôi ra từ các doanh nghiệp lớn do cơ cấu lại.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa thường thiếu vốn khi đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại. Trong ảnh: Công ty TNHH MTV Lữ Gia, xã Nghĩa Bình (Bù Đăng) chuyên sản xuất điều nhân trắng xuất khẩuDoanh nghiệp nhỏ và vừa thường thiếu vốn khi đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại. Trong ảnh: Công ty TNHH MTV Lữ Gia, xã Nghĩa Bình (Bù Đăng) chuyên sản xuất điều nhân trắng xuất khẩu

Trong quá trình sản xuất - kinh doanh, DNNVV cùng doanh nghiệp quy mô lớn có sự bổ sung, hỗ trợ nhau. DNNVV có thể làm đại lý, vệ tinh, tiêu thụ hàng hóa hoặc cung cấp vật tư đầu vào với giá rẻ cho doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó, khi số lượng DNNVV tăng lên sẽ làm tăng nhanh số lượng sản phẩm và dịch vụ mới trong nền kinh tế.

DNNVV có khả năng thay đổi mặt hàng, chuyển hướng sản xuất linh hoạt. Chính tính ưu việt đó của các doanh nghiệp đã làm tăng tính cạnh tranh và giảm mức độ rủi ro của nền kinh tế, tạo ra nền kinh tế thị trường đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững. DNNVV cũng tận dụng triệt để các nguồn lực xã hội, có nhiều thuận lợi trong việc khai thác tiềm năng rất phong phú trong dân, từ trí tuệ, tay nghề tinh xảo, vốn, bí quyết nghề nghiệp, nhất là của các nghệ nhân, các quan hệ huyết thống, ngành nghề truyền thống,... để phát triển sản xuất - kinh doanh.

Việc phát triển DNNVV hiện còn là giải pháp cơ bản góp phần tăng nhanh thu nhập của các tầng lớp nhân dân. Mặt khác, phát triển các ngành nghề và khu, cụm công nghiệp cũng tạo điều kiện giảm khoảng cách giữa các vùng, thu hẹp dần mức chênh lệch thu nhập giữa các vùng dân cư. Ngoài ra, việc phát triển DNNVV còn giúp duy trì và phát triển ngành nghề thủ công truyền thống nhằm sản xuất các loại hàng hóa mang bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
92996

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu