Thứ 6, 26/04/2024 07:10:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 13:46, 26/11/2015 GMT+7

Điều gì xảy ra nếu khai trừ môn Lịch Sử?

Thứ 5, 26/11/2015 | 13:46:00 87 lượt xem

BP - Những ngày qua, Bộ GD-ĐT đang có những phát ngôn “nóng” nhằm khai trừ môn Lịch sử trong hệ thống giáo dục Việt Nam bằng việc xây dựng đề án môn Lịch sử được tích hợp trong môn Khoa học xã hội ở cấp THCS và tích hợp cùng 2 môn khác là Giáo dục công dân và Giáo dục quốc phòng - an ninh trong môn học mới Công dân với Tổ quốc ở cấp THPT. Người học chuyên ngành lịch sử và những người yêu thích lịch sử đã bàng hoàng trước đề án thay đổi mang tầm cỡ “chiến lược” của Bộ GD-ĐT. Tôi tự hỏi rằng đưa môn Lịch sử “ẩn dật”, “dật dờ” gán ghép trong mớ bòng bong, hỗn độn vào 1 quyển sách thì thế hệ trẻ học, xem, nhìn, lắng nghe và hiểu lịch sử dân tộc, lịch sử đất nước bằng công cụ gì?

Người Việt Nam luôn tự hào về lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc với hình ảnh lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa - biểu tượng của sức mạnh văn hóa bất diệt. Từ buổi đầu tiên dựng nước, đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, đến những năm tháng hào hùng chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, xây dựng đất nước, nhân dân ta luôn chứng tỏ bản lĩnh vững vàng và khí phách anh hùng, bất khuất. Có được bản lĩnh đó là do chúng ta đã biết dựa vào lịch sử và văn hóa. Lịch sử của dân tộc Việt Nam không chỉ đấu tranh dựng nước và giữ nước mà còn là lịch sử của một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, của sự đoàn kết, lao động cần cù, kiên nhẫn và sáng tạo... Mang đậm tư tưởng nhân văn tiến bộ trong một cộng đồng rộng lớn nhà - làng - nước - dân tộc.

Học sinh Tường THPT Dân tộc nội trú tỉnh - Ảnh: SỸ HÒA

Đó chính là sức mạnh tiềm ẩn nét độc đáo riêng, là hồn thiêng sông núi của dân tộc ta. Chính nó là lời đáp cho câu hỏi tại sao trải qua hơn ngàn năm đô hộ, bọn phong kiến phương Bắc không thể đồng hóa nổi con người Việt Nam? Tại sao đứng trước một sức mạnh bạo cường của các đế quốc, dân tộc ta vẫn trường tồn, phát triển? Chính lịch sử dân tộc đã hun đúc cho chúng ta lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Học lịch sử thì chúng ta mới hiểu được đạo lý của con người Việt Nam, yêu quý và trân trọng những thành quả của cha ông ta trước kia. Cũng chính vì thế, người Việt Nam mới có thể nhận thức được rằng, quê cha đất tổ, non sông đất nước này là do bàn tay lao động của biết bao thế hệ xây đắp lên và vĩnh viễn trở thành tài sản vô giá.

Trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay, nếu không giữ được bản sắc văn hóa dân tộc thì rất có thể bị mai một, thậm chí bị đồng hóa. Một dân tộc không biết dựa vào lịch sử, xem nhẹ lịch sử thì không thể định hướng và càng không thể tìm đâu là điểm tựa cho mình. Khoa học - kỹ thuật ngày càng phát triển, dần trở thành lực lượng sản xuất vật chất trực tiếp. Song đất nước muốn hóa rồng phải có điểm tựa văn hóa và lịch sử. Chính lịch sử và văn hóa là kết cấu vững chắc, trở thành nội lực cho sự tồn tại và phát triển của một dân tộc. Phải thấy, phải biết và thấu hiểu những giá trị của lịch sử thì dân tộc đó mới xây dựng được một chiến lược phát triển trong tương lai. Quá khứ, hiện tại và tương lai là một dòng chảy liên tục, cái mới sẽ ra đời trên mảnh đất truyền thống. Học, hiểu và biết lịch sử thì mới hiểu được ý nghĩa của tri thức lịch sử là những giá trị văn hóa chung và là một trong những cơ sở cần thiết cho việc hình thành ý thức tự giác, nhấn mạnh sự hiểu biết cho các thế hệ đời sống riêng luôn gắn liền với quá khứ và tương lai, để từ đó thấy rõ trách nhiệm của mình.

Phải chăng, chúng ta chưa nhận thức đúng mức tầm quan trọng giá trị lịch sử dân tộc được hun đúc mấy ngàn năm qua, điều này càng trở nên cấp thiết khi chúng ta hòa nhập vào cộng đồng khu vực và thế giới? Điều gì sẽ xảy ra khi thế hệ trẻ Việt Nam - chủ nhân tương lai của đất nước bị mù lịch sử, hoặc nếu biết thì cũng dừng lại ở mức độ ngây ngô, lơ mơ, đại khái? Lúc đó, lịch sử không dừng lại ở mức độ kiến thức mà là nhận thức lịch sử; không còn là trách nhiệm, ý thức mà là thái độ, nhân cách.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói: “Kẻ nào quên quá khứ thì kẻ đó không có trái tim”. Lịch sử và cuộc sống là một quá trình phát triển biện chứng, hôm nay phải là sự kế thừa và phát triển của hôm qua và hướng tới mai sau. Vì vậy, hãy đối xử với môn Lịch sử bằng thái độ trách nhiệm, khách quan nhất để quá trình thay đổi không chỉ phù hợp mà còn đáp ứng yêu cầu cấp bách của công cuộc cải cách giáo dục mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra. Đó là điều các ngành chức năng, mỗi nhà quản lý giáo dục suy ngẫm trong bối cảnh nền giáo dục Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập. Và phải làm thế nào để các thế hệ luôn tìm về được cội nguồn dân tộc, hiểu và yêu hơn đất nước, con người Việt Nam ngàn năm văn hiến, con Lạc cháu Hồng, lịch sử không bị lãng quên.

Đình Tâm

  • Từ khóa
85622

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu