Thứ 3, 16/04/2024 17:31:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:38, 25/11/2015 GMT+7

GÓP Ý LUẬT TRƯNG CẦU Ý DÂN:

Điều luật cần cụ thể hơn

Thứ 4, 25/11/2015 | 15:38:00 2,134 lượt xem

BP - Tại Điều 29 trong Hiến pháp năm 2013 có quy định: Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Và tại Khoản 15, Điều 70 quy định về những nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội đã nêu rõ Quốc hội có quyền: Quyết định trưng cầu ý dân. Và Khoản 13, Điều 74 quy định về Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: Tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội. Như vậy, dự thảo Luật Trưng cầu ý dân là những quy định cụ thể hóa về vấn đề trưng cầu ý dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013.

Theo đó, dự thảo luật này có 8 chương, với 52 điều và do Hội Luật gia Việt Nam chủ trì soạn thảo. Ngay sau khi dự thảo được công bố để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, dư luận có nhiều ý kiến tán thành với việc quy định khái quát về các vấn đề Quốc hội có thể quyết định trưng cầu ý dân. Cụ thể tại Điều 6 của dự luật này có quy định như sau: Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề sau đây: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của quốc gia; Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh; Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.

Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân tôi thì quy định như trong điều luật nêu trên là chưa cụ thể, chưa phù hợp với tình hình thực tế của đất nước, cũng như sự phát triển trong tương lai mà dự luật cần phải dự báo. Đồng thời, nội dung trong điều luật này còn quá chung chung, thiếu rõ ràng. Do đó, tôi đề nghị ban soạn thảo cần bổ sung, điều chỉnh để điều luật có những quy định rõ về các vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân. Vì có quy định rõ thì sẽ làm cơ sở pháp lý cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện trưng cầu ý dân. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 6 có quy định như sau: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp;... Tôi đề nghị ban soạn thảo cần sửa đổi, bổ sung nội dung là Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân khi sửa đổi về một số điều của Hiến pháp chứ không chỉ là “toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp”. Vì vậy, tôi đề xuất khoản này được viết lại như sau: Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân khi sửa đổi về một hoặc một số điều của Hiến pháp. Vì Hiến pháp được toàn dân đóng góp xây dựng, nó thể hiện rõ ý chí của toàn dân. Vì thế, nếu sửa một nội dung hay một số nội dung trong một điều cũng phải trưng cầu ý dân. Và tại Khoản 2 của điều này quy định như sau: Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của quốc gia;... Tôi đề xuất Khoản 2 cũng cần được sửa đổi, bổ sung và viết lại như sau: Vấn đề về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền, lãnh thổ và sự phát triển của quốc gia;...

Bên cạnh đó, xét dưới góc độ kỹ thuật lập pháp thì việc trong 4 khoản của Điều 6 đều sử dụng thuật ngữ “quan trọng” và “vấn đề đặc biệt quan trọng” rất chung chung, không thể định tính, định lượng được rõ ràng. Vì thế rất khó thực thi và đôi khi dẫn đến việc hiểu nhầm, thực hiện không hiệu quả. Hơn nữa, nếu quy định như trên thì chắc chắn Quốc hội sẽ phải triệu tập cuộc họp toàn thể đại biểu để đưa ra xem xét vấn đề nào đó có thực sự là “đặc biệt quan trọng” hay không? Cũng từ đó có thể sẽ dẫn đến tình huống vấn đề đưa ra được xác định là “vấn đề đặc biệt quan trọng” hoặc không phải là “vấn đề đặc biệt quan trọng”. Và một khi Quốc hội cho rằng đó chưa phải là “vấn đề đặc biệt quan trọng”, không phải tổ chức trưng cầu ý dân, như vậy sẽ tổn hao công sức, thời gian của đại biểu Quốc hội, đồng thời tạo tâm lý lo lắng trong xã hội về một vấn đề nào đó.

N.V

  • Từ khóa
14450

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu