Thứ 7, 20/04/2024 01:28:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 09:43, 04/04/2014 GMT+7

Đồ gỗ thời thượng (tt)

Thứ 6, 04/04/2014 | 09:43:00 2,457 lượt xem

>> Bài 1 Gốc cây trở thành hàng “độc”
>> Bài 2 Đất Nam thợ Bắc

Để kiếm được tiền, nhiều thợ mộc phải trả giá đắt, trong đó có cả máu thịt của mình. Và nỗi đau mang tên “nghề mộc” đã ám ảnh không ít người.

Bài 3 Nỗi ám ảnh mang tên “nghề mộc”

Với người làm nghề mộc, chỉ cần nhìn tay cũng đoán được. Bởi làm nghề này lâu năm, bàn tay của họ không bị thiếu ngón thì cũng chằng chịt vết sẹo do lưỡi cưa phạm phải. Có người mất nguyên bàn tay, có người cả bàn tay chỉ còn một ngón và họ phải từ bỏ nghề vì không còn khả năng cầm cưa, cầm đục.


Tai nạn rình rập

Nghề mộc được xem là nghề có thu nhập cao, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động. Ngoài những yếu tố khách quan, thì yếu tố chủ quan của chính những người hoạt động trong nghề chưa quan tâm, chú trọng tự bảo vệ mình. Thực tế tại các xưởng mộc, phần lớn người lao động không được trang bị bảo hộ lao động tối thiểu (bao tay, giày, mũ, khẩu trang...).

Rim gỗ công đoạn có nhiều nguy hiểm đối với người thợ mộc

Hầu hết các xưởng mộc trên địa bàn tỉnh hoạt động theo hình thức bán thủ công, máy móc hỗ trợ khoảng 60%. Do đó các công đoạn tạo ra sản phẩm đều có bàn tay của con người, từ khâu ra phôi gỗ, tạo hình đến hoàn thiện. Anh Đinh Văn Tiến, chủ một xưởng mộc có máy móc hỗ trợ tại ấp Bầu Lùng, xã Tân Hiệp (Hớn Quản) cho biết: “Đa phần thợ mộc học nghề ở trường làng, nên không có thói quen sử dụng bảo hộ lao động”.

Trong nghề mộc, tai nạn chủ yếu xuất phát từ yếu tố khách quan. Người vận hành máy cưa CD thường gặp tai nạn do dây curoa văng ra khỏi bánh đà hoặc lưỡi cưa đang hoạt động bị đứt, gây tai nạn bất ngờ. Anh Hồ Tư ở ngã tư Quận Nhất, xã Tân Hiệp chia sẻ: “Làm nghề này chúng tôi sợ nhất là công đoạn rim gỗ (lấy mặt phẳng của gỗ). Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải có cánh tay khỏe để ghì chặt thanh gỗ, không cho bật ngược vào người. Tuy nhiên, khi gặp phải mắt gỗ, lưỡi máy cưa giật mạnh, thanh gỗ có thể bật ngược bất kỳ lúc nào. Khi thanh gỗ bật ra khỏi bệ máy, người thợ mất đà dễ đưa nguyên bàn tay vào họng máy, may thì mất mấy đốt, xui thì cả bàn tay. Nếu tay không bị lưỡi máy ăn thì người cũng bị thanh gỗ đập, nhẹ thì bị thương phần mềm, nặng có thể gãy xương”.


Bàn tay “mồ côi”

Những bàn tay rơi rụng dần các ngón là nỗi ám ảnh mang tên “nghề mộc”. Nhiều năm nay, người dân ấp 5, xã Đồng Nơ (Hớn Quản) không ai không biết anh Dũng “cụt”, bởi bàn tay trái chỉ còn 2 ngón. Tai nạn đáng tiếc xảy ra khi anh mới vào nghề. Anh Dũng nhớ lại: “Hôm ấy, tôi đang ra gỗ để chuẩn bị đóng đồ. Đột nhiên, miếng gỗ bật khỏi lưỡi cưa và bàn tay trái của tôi thay thế cho miếng gỗ. Cả bàn tay bết máu, 2 ngón tay đã lìa khỏi bàn. Do bị thương nặng, bác sĩ buộc phải tháo thêm một ngón nữa”.

Gắn bó với nghề mộc đã 10 năm, anh Hồ Tư cũng không tránh khỏi tai nạn nghề nghiệp. Chìa bàn tay 10 ngón chi chít vết cắt của lưỡi cưa, lưỡi bào, anh Tư nói: “10 ngón tay của tôi không ngón nào được lành lặn, ngón thì mất đốt, ngón phải cắt sát bàn tay. Làm nghề này dễ gặp tai nạn, đặc biệt là lúc rim gỗ, cuốn gỗ (cưa gỗ thành hình vòng cung)”. Rất nhiều thợ mộc sau một vụ tai nạn nghề nghiệp phải bỏ nghề. Bởi lẽ đôi bàn tay khỏe, khéo léo bị lưỡi cửa cắt hết ngón, không còn khả năng cầm đục, cầm cưa, bào gỗ. Một số người bỏ nghề vì ám ảnh những vụ tai nạn lao động.

Anh Lê Đình Phú ở Bưng Rục, xã Minh Hưng (Chơn Thành), người đã bỏ nghề mộc, cho biết: “Tôi theo học nghề mộc lúc 20 tuổi và có thâm niên xẻ gỗ 25 năm. Một hôm do bất cẩn, tôi đã “dâng” cả bàn tay cho lưỡi cưa. Bàn tay trái hiện nay chỉ còn một ngón cái. Phần vì ám ảnh, phần vì mất khả năng làm mộc nên tôi phải chuyển nghề”. Hiện nay, anh Phú đang theo tổ thợ hồ tại xã Minh Hưng. Do bàn tay không còn nguyên vẹn nên anh phải làm thợ phụ. Anh tâm sự: “Trước đây làm nghề mộc, công một ngày hơn 200 ngàn đồng. Nếu nhận hàng về nhà làm, công còn cao hơn. Làm thợ hồ vất vả hơn thợ mộc, công lại thấp hơn, trung bình 170 ngàn đồng/ngày. Nếu bàn tay còn nguyên vẹn tôi sẽ làm phụ hồ, siêng năng học hỏi, chỉ vài tháng có thể đảm nhận thợ xây và có thu nhập cao hơn”. 

Nhất Sơn

Bài cuối: Những tay chơi thời thượng

  • Từ khóa
92420

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu