Thứ 3, 16/04/2024 15:30:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:51, 01/10/2015 GMT+7

Xúc động tiếng hát người khuyết tật

Thứ 5, 01/10/2015 | 07:51:00 688 lượt xem
BP - Những thân hình không được lành lặn nhưng vẫn nguyên vẹn khát vọng sống. Họ đã cất lên tiếng hát, vơi đi mặc cảm tật nguyền, hướng đến cuộc sống tươi vui. 80 thí sinh đến từ 10 huyện, thị xã đã mang đến hội thi “Tiếng hát người khuyết tật” không ít nụ cười lẫn nước mắt qua 37 tiết mục đơn ca, song ca, tốp ca, độc tấu.

Tiết mục tốp ca của đơn vị thị xã Đồng Xoài

Chứng kiến những người khuyết tật hát với đôi mắt không nhìn thấy ánh đèn sân khấu, đôi tai không nghe thấy nhạc, những thân hình cao thấp khác nhau khó khăn lắm mới bước được vài bước, họ vẫn hát, dùng khuỷu tay để cầm micro, dùng chân để đánh đàn... khán giả không khỏi xúc động. Âm nhạc, nghệ thuật gắn kết tâm hồn họ lại với nhau.

Hội thi “Tiếng hát người khuyết tật” toàn tỉnh lần thứ 2 với chủ đề “Tiếng hát từ trái tim” do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh tổ chức ngày 29-9. Hội thi là dịp để người khuyết tật giao lưu, giải trí lành mạnh, giúp họ hòa nhập vào cộng đồng. Đồng thời, tuyên truyền người dân cùng cảm thông, chia sẻ, trân trọng tài năng, năng lực và giúp đỡ người khuyết tật vượt qua mặc cảm bản thân hội nhập cuộc sống.

Sinh năm 1998, nhưng Trần Ái Hải Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, có thân hình chỉ bằng đứa trẻ lên 5. Sơn bị mắc bệnh xương thủy tinh, dị tật ở tay, chân không tự đi lại được. Tham gia hội thi, Sơn thổi sáo bài Gặp mẹ trong mơ (lời Việt: Lê Tự Minh). Sơn cho biết: “3 tháng trước, em học thổi sáo để dự thi tiếng hát người khuyết tật. Thổi sáo giúp em giữ được tâm trí bình tĩnh, tập trung. Đến hội thi, em gặp nhiều hoàn cảnh rất khó khăn nhưng không buông xuôi, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, tiếp thêm cho em nghị lực để sống tốt hơn”.

Chị Trần Thị Út Em, phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, bị sốt và liệt 2 chân từ khi 5 tuổi. Chị làm gia công búp bê bằng thổ cẩm, dành dụm đủ tiền học may kiếm sống. Chị Út Em vui vẻ nói: “Tập luyện, dự thi cùng mọi người giúp tôi có nhiều bạn, vui vẻ. Tôi mong muốn hội thi được tổ chức thường xuyên để nhiều người khuyết tật được tham gia, vui chơi”.

Ông Phạm Văn Phúc, phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, mất tay phải khi làm rẫy năm 1979. Ông Phúc vẫn lao động nuôi sống bản thân và gia đình, chiếc đàn ghi ta từ đó trở thành bạn chia sẻ cùng ông lúc vui, buồn. Dùng 1 phím đàn tự chế cố định vào phần trên cánh tay phải bằng một vòng sắt, giai điệu độc tấu đàn ghi ta bài “Lòng mẹ 2” gieo vào lòng khán giả bao cung bậc cảm xúc, cũng là lời cảm ơn những người thân luôn bên cạnh giúp đỡ ông và người khuyết tật vượt qua khó khăn.

Dù chịu thiệt thòi, khuyết tật nhưng các thí sinh dự thi vẫn truyền tải những kỹ thuật, năng khiếu và thông điệp cuộc sống có sức lan tỏa mạnh mẽ. Kết thúc hội thi, thí sinh Thị Mai thuộc thị xã Bình Long đạt giải nhất phần thi đơn ca; đơn vị thị xã Đồng Xoài đạt giải nhất phần thi song ca; đơn vị thị xã Đồng Xoài đạt giải nhất phần thi tốp ca; thí sinh Trần Văn Linh thuộc huyện Chơn Thành đạt giải nhất phần thi độc tấu; giải nhất toàn đoàn thuộc về thị xã Đồng Xoài.

Tuyết Ly

  • Từ khóa
52552

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu